Tiềm năng mở cửa các khu công nghiệp ở Hải Dương - Bài 2

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/3/2023 | 3:38:29 PM

QLMT - Vị trí địa lý thuận lợi, quỹ đất, nguồn nhân lực trẻ dồi dào... là những điểm cộng cho các khu công nghiệp ở Hải Dương trong thu hút đầu tư.

Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Mục tiêu chính của tỉnh hướng đến là 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh.


Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thiên thời, địa lợi

Hải Dương được đánh giá có vị trí thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là "cầu nối" giữa Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng và thành phố du lịch Hạ Long. Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng là vùng tam giác kinh tế trọng điểm khu vực phía đông của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, được thụ hưởng hệ thống giao thông liên vùng hoàn chỉnh gồm cả đường sắt, quốc lộ, cao tốc và gần các sân bay lớn là Nội Bài và Cát Bi. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như quốc lộ 5, 10, 18, 37, 38; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường sắt Hà Nội - Hải Phòng...

Tỉnh cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh như cầu Dinh, cầu Quang Thanh kết nối với Hải Phòng; cầu Triều, cầu Đông Mai với Quảng Ninh; cầu Đồng Việt với Bắc Giang; cầu Kênh Vàng với Bắc Ninh; tuyến cầu Hiệp mới với Thái Bình. Các tuyến giao thông nội tỉnh đã và đang được đầu tư là một điểm cộng cho các khu công nghiệp (KCN) Hải Dương.

Hải Dương còn có quỹ đất dồi dào. Theo Sách trắng về bất động sản KCN mà Savills phát hành cuối tháng 11.2020, Hải Dương có diện tích đất công nghiệp đứng thứ 5 tại miền Bắc. Giá cho thuê ở mức thấp, khoảng từ 65-82 USD/m2/chu kỳ thuê, bằng 60% của Hà Nội, thấp hơn Bắc Ninh, Hải Phòng, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho tỉnh trong thu hút đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng với 11 KCN hiện hữu, 6 KCN mới triển khai năm 2021, Hải Dương sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng. Về tương lai, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 KCN mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics.

Nhân hòa

Cơ cấu lao động trẻ, dồi dào và tỷ trọng nam nữ đồng đều ở Hải Dương là một ưu điểm của các KCN. Dân số Hải Dương chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng. Hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là hơn 1,3 triệu người, chiếm hơn 68% số dân, Hải Dương được đánh giá là bảo đảm nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư đang hoạt động và cả tương lai. Bên cạnh các ngành công nghiệp như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, với nguồn nhân lực nữ chiếm khoảng 50%, Hải Dương đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành công nghiệp may mặc, da giày, công nghiệp chế biến.

Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch khá nhanh sang ngành công nghiệp-dịch vụ. Hiện có khoảng 44% lực lượng lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ, tăng 9% so với năm 2015. Tỉnh đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng lên 50,5% năm 2025 và 55% trong năm 2030.

Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh cũng liên tục tăng bậc, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện toàn bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư được thực hiện mức độ 4 trên môi trường điện tử.

Các địa phương có KCN đang triển khai cũng rất tích cực vào cuộc. Huyện Bình Giang đang tích cực giải phóng mặt bằng để triển khai KCN Phúc Điền mở rộng. Ông Nhữ Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết: "Nhân dân cũng xác định rằng đưa các KCN vào để kêu gọi các nhà đầu tư sẽ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đưa huyện Bình Giang bước sang một giai đoạn mới, chính vì vậy người dân rất đồng tình ủng hộ”.

Hấp dẫn nhà đầu tư

Có được những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên các KCN ở Hải Dương đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tháng 6.2022, Công ty TNHH Khoa kỹ-Sinh vật Thăng Long thuê 5,5 ha đất ở KCN Cộng Hoà (Chí Linh) để xây dựng 3 dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá và 1 dây chuyền sản xuất thức ăn cho tôm với tổng công suất khoảng 150.000 tấn/năm. Dự kiến dự án tạo việc làm cho 250 lao động, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng.

Ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ-Sinh vật Thăng Long cho biết khi công ty quyết định đầu tư vào thị trường miền Bắc, doanh nghiệp có gửi công văn xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. "Trong thời gian rất ngắn tỉnh đã có công văn phúc đáp chào đón Thăng Long đầu tư nhà máy thức ăn thuỷ sản tại Hải Dương. KCN Cộng Hoà cũng phối hợp rất tốt, nhanh chóng gửi cho Thăng Long nhiều lô có vị trí đẹp để doanh nghiệp chọn lựa. Sau khi trao đổi, hai bên đã thống nhất được nội dung và tiến hành ký kết hợp đồng thuê đất”, ông Chuang Jie Cheng nói.

Về lý do chọn đầu tư tại Hải Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ-Sinh vật Thăng Long chia sẻ, đa phần vùng nuôi thủy sản trọng điểm đều tập trung ở gần tỉnh Hải Dương, khoảng cách vận chuyển từ KCN Cộng Hoà đến các vùng nuôi rất gần tầm 1-2 tiếng đi xe. Riêng mặt cơ sở hạ tầng của KCN Cộng Hoà cũng rất hoàn thiện, từ điện, nước đến các hạng mục hạ tầng khác.

Cũng chung tâm lý ấy, rất nhiều nhà đầu tư đã "chấm” Hải Dương để đầu tư. Năm 2022, các KCN của Hải Dương thu hút khoảng 329,4 triệu USD vốn FDI, vượt 64,7% kế hoạch năm (trong đó khoảng 81,7 triệu USD vốn đầu tư của các dự án cấp mới, vượt 2% kế hoạch năm 2022). Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) được khoảng 730,7 tỷ đồng, vượt 387,2% kế hoạch năm.

Còn từ đầu năm đến hết tháng 2, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp nhận và thẩm định 22 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, tăng 4 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái. Cấp phép cho các dự án FDI mới và hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 28,5 triệu USD. Trong đó có 3 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 15 triệu USD, tăng 3 dự án so với cùng kỳ năm ngoái./.

Kim Thanh/Báo Hải Dương


Tags khu công nghiệp Tiềm năng mở cửa Hải Dương

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục