Cần xây dựng chính sách và hỗ trợ kỹ thuật phát triển khu công nghiệp sinh thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2023 | 4:00:23 PM

QLMT - Năm 2022 Dự án KCN sinh thái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả hai khía cạnh là hỗ trợ xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để phát triển KCN sinh thái.

Trong khuôn khổ Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (Dự án) do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ; vừa qua tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức họp Ban Chỉ đạo Dự án thường kỳ tại Hà Nội.

Dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái Toàn cầu" (Dự án) đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Văn kiện Dự án tại Quyết định số 702/QĐ-BKHĐT, ngày 05/8/2020 từ nguồn viện trợ của SECO.

Ban Chỉ đạo Dự án được thành lập theo Quyết định số 1414/QĐ-BKHĐT, ngày 21/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đưa ra định hướng chung cho việc thực hiện Dự án, quyết định các vấn đề chiến lược gồm phê duyệt các kế hoạch hàng năm về thực hiện và tiến độ Dự án.



Toàn cảnh Ban Chỉ đạo Dự án KCN sinh thái họp thường kỳ tại Hà Nội

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án nhằm rà soát tiến độ thực hiện các hoạt động của Dự án trong năm 2022, trong đó đánh giá khách quan những kết quả, cũng như nguyên nhân còn tồn tại, hạn chế; từ đó xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong thời gian tới nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho Dự án cho đến khi kết thúc dự án (dự kiến vào tháng 4/2024).

Thí điểm chuyển đổi thành công

Tại cuộc họp, một số kết quả triển khai thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại Việt Nam đã được ghi nhận và công bố.

Theo đó, KCN Amata (Đồng Nai) và KCN Đình Vũ-Deep C (Hải Phòng) được đánh giá là đã hoàn thành "khung sinh thái”, có thể sẽ nhận được nguồn hỗ trợ tích cực từ dự án. Bên cạnh đó, KCN Hiệp Phước (TP.HCM) cũng được ghi nhận đã cải thiện rõ rệt các chỉ số giảm phát khí thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch.

Dự kiến các KCN này có thể trở thành mô hình điểm cho các KCN khác trong cả nước học tập kinh nghiệm nhằm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sinh thái.

Theo ghi nhận của UNIDO, hiện nay trong số 80 doanh nghiệp được chọn lựa để chuyển đổi mô hình, phương thức hoạt động sản xuất tại các KCN Deep C, Amata và Hiệp Phước, đã có khoảng 41 doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình về giảm phát khí thải, giảm tiêu thụ điện năng, tiết kiệm nguồn nước và đảm bảo vệ sinh nước thải công nghiệp.

Theo tính toán, nhờ các giải pháp chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như đầu tư đổi mới thiết bị, hạ tầng, ứng dụng công nghệ, hiện nay tại 3 KCN kể trên mỗi năm đã có thể giảm được trên 55.200 tấn khí thải nhà kính CO2; tiết kiệm khoảng 64.200 MWh điện, 77.900 m3 nước và 33,6 tấn dầu DO/năm. Tổng số tiền tiết kiệm, ước khoảng trên 151,4 tỷ đồng.

Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc KCN Hiệp Phước cho biết, hiện đã có 24 doanh nghiệp trong KCN tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững. Một số DN tiêu biểu như Công ty Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Meizan CLV, Công ty Nam Dương đã tiến hành liên kết, sử dụng chung nguồn cung ứng để triển khai mô hình sản xuất kết hợp - khép kín.

Bà Nguyễn Trâm Anh - Ban Quản lý Dự án Khu công nghiệp sinh thái (Bộ KH&ĐT) cho hay, hiện cả nước đã có 72 doanh nghiệp trong các KCN tại Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM và Cần Thơ tham gia thực hiện chương trình chuyển đổi từ các giải pháp sản xuất truyền thống sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tính chung cả nước, trong khoảng 5 năm qua đã có khoảng 76 tỷ đồng được tiết kiệm mỗi năm, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 mỗi năm.

Cần mở rộng và cụ thể hóa ưu đãi

Theo bà Nguyễn Trâm Anh, mặc dù việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại Việt Nam hiện nay nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp tại các KCN và được sự ủng hộ tích cực từ các địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn gặp khá nhiều những vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Theo đó, tổng nguồn vốn của Dự án do UNIDO triển khai trong các năm 2020-2023 chỉ có khoảng trên 1,82 triệu USD để triển khai thí điểm ở các KCN tại 5 tỉnh thành trên cả nước. Nếu muốn nhân rộng sang các KCN khác thì cần đầu tư nguồn vốn lớn hơn và có cơ chế thích hợp để huy động và khuyến khích vốn tư nhân tham gia vào chương trình này.

Thí điểm thực hiện tại các KCN tại Hải Phòng, TP.HCM cho thấy, những bất cập thường gặp phải là do doanh nghiệp còn thiếu thông tin về lợi ích, cách thức thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp và sử dụng hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn vì thế chưa chủ động phối hợp. Việc tiếp cận các khoản vay để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, thân thiện với môi trường khá hạn chế và mất nhiều thời gian mới nhận được các ưu đãi, vì thế không khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia.

Ở góc độ đầu tư, ông Giang Ngọc Phương cho rằng, để mở rộng chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái thì Chính phủ và địa phương cần có chính sách khuyến khích di dời các doanh nghiệp truyền thống, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, thay bằng những ngành công nghệ cao.

Trong thời gian tới, TP.HCM cũng như các địa phương khác cần xây dựng bộ tiêu chí chuyển đổi KCX-KCN với những cơ chế, lộ trình cụ thể để nhà đầu tư an tâm, chủ động. Đối với kinh phí di dời doanh nghiệp để phục vụ chuyển đổi sang KCN sinh thái cũng cần tính toán hỗ trợ các doanh nghiệp để giảm áp lực về tài chính, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

Riêng về phương diện pháp lý liên quan đến các ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất khi DN KCN tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất, Luật sư Phạm Hồng Điệp - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay Dự thảo Luật Đất đai đang được các bộ, ngành lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, các quy định ưu đãi đối với nhà đầu tư hạ tầng KCN sinh thái cũng cần được cập nhật với các chính sách miễn, giảm thuế, phí phù hợp hơn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến quản lý tái sử dụng chất thải công nghiệp, nước thải sau xử lý cũng chưa được thống nhất và cụ thể hóa. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc chuyển đổi công nghệ nhằm sản xuất sạch hơn, nhưng rất khó nhận được các ưu đãi về thuế, phí và nguồn vốn vay tín dụng. Tại TP.HCM, Đồng Nai, một số doanh nghiệp đã đầu tư xử lý nước thải đạt chuẩn nhưng chưa thể tái sử dụng vì tiêu chí về tái sử dụng nước chưa được các bộ, ngành quy định cụ thể, khung giá nước tái chế cũng chưa được ban hành nên doanh nghiệp không có cơ sở tính giá. Vì thế, những pháp lý này cần nhanh chóng được bổ sung, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp KCN chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch, bền vững với môi trường./.

Sơn Hà (T/h)

Tags Xây dựng chính sách Hỗ trợ kỹ thuật Phát triển Khu công nghiệp sinh thái

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục