Vấn đề xử lý nước thải trong khu công nghiệp tuân thủ theo các quy định trong các văn bản chủ yếu sau: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Hiện nay, chủ nguồn nước thải trong khu công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, cơ sở sản xuất của các chủ thể này thải ra môi trường một lượng nước thải nhất định.
Tuy nhiên, công tác quản lý cũng như xử lý chất thải khu công nghiệp còn nhiều hạn chế, do đó phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của nguồn thải từ khu công nghiệp là đáng kể, ảnh hưởng làm ô nhiễm môi trường rất nhiều. Do đó, trong những năm gần đây việc hoàn thiện các cơ chế mô hình xử lý nước thải sản xuất trong khu công nghiệp được nâng cao và xây dựng tập trung các công trình xử lý nước thải tập trung.
2. Quy định về xử lý nước thải sản xuất trong khu công nghiệp:
Hiện nay, khu công nghiệp là một phần trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Cụ thể trong khu công nghiệp phải đảm bảo có được hạ tầng bảo vệ môi trường, bao gồm:
– Hệ thống thu gom, thoát nước mưa.
– Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
– Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật.
– Phải có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung.
– Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo đó trong các khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, bảo đảm có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường đáp ứng trình độ đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm.
Trong khu công nghiệp, ban quản lý sẽ phải có những trách nhiệm cụ thể như sau:
– Trong các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật thì ban quản lý sẽ phải thực hiện kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường.
– Thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường trên cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ngoài ra, còn thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật.
– Đối với các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung thì phải thực hiện tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
– Trên cơ sở kiểm tra, giám sát thì phát hiện kịp thời những vi phạm xảy ra của cá nhân, tổ chức và từ đó thực hiện kiến nghị xử lý.
– Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật.
– Trên cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định thì ban quản lý sẽ phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
– Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong các khu công nghiệp chủ đầu tư phải có trách nhiệm về môi trường như sau:
+ Đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.
+ Và bên cạnh đó, có trách nhiệm thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.
+ Yêu cầu các đơn vị, cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa, trong thời gian 24 tháng tính từ ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực.
+ Tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường trên cơ sở có phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường.
+ Có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường phải phát hiện kịp thời và thực hiện kiến nghị xử lý theo đúng quy định.
+ Trong khu công nghiệp phải thực hiện ban hành quy chế về bảo vệ môi trường.
+ Thực hiện quan trắc môi trường.
+ Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu công nghiệp.
3. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp:
Trên cơ sở những phân tích về thực trạng pháp luật xử lý nước thải trong khu công nghiệp, phía bên cơ quan ban ngành có thẩm quyền phải có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp:
– Cần nâng cao vai trò của Ban quản lý khu công nghiệp trong quản lý vấn đề xử lý nước thải khu công nghiệp:
Theo đó, cần giao thêm quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp trong quản lý vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp nói chung, trong xử lý nước thải khu công nghiệp nói riêng.
Ban quản lý khu công nghiệp sẽ có quyền, trách nhiệm phát hiện những hành vi vi phạm về xử lý nước thải và kịp thời lập biên bản.
– Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp về quyền và trách nhiệm xử lý nước thải của họ.
Việc tuyên truyền nội dung chủ yếu sẽ là quy định của pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp tiến hành thông qua việc đăng trên bảng tin của khu công nghiệp, đài phát thanh, website,… Bên cạnh đó cần phải nhấn mạnh về chế tài xử phạt nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Việc tuyên truyền, giáo dục có tác dụng tác động vào nhận thức của con người dần dần dẫn đến thay đổi hành vi.
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề thực thi các quy định pháp luật về xử lý nước thải khu công nghiệp:
Hoạt động này thuộc nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, phải được thực hiện thường xuyên bao gồm cả thanh tra, kiểm tra có báo trước và thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đây là một cơ chế giúp cho các chủ thể thực thi nghiêm chỉnh hơn quyền và trách nhiệm trong xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.
– Với những khu công nghiệp đến nay chưa có hệ thống quan trắc tự động cần phải triển khai lắp đặt luôn để đảm bảo quy trình xử lý nước thải được trơn tru và có hiệu quả.
Thứ hai, hoàn thiện một số quy định của pháp luật về xử lý nước thải trong khu công nghiệp:
– Pháp luật cần quy định rõ:
Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhà máy xử lý nước thải riêng và đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục tự xử lý nước thải.
Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà nhà máy xử lý nước thải riêng của họ không đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải nữa thì phải ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng quy mô hoạt động thì phải tăng công suất của nhà máy xử lý nước thải hoặc phải ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Việc ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có thể để xử lý toàn bộ nước thải, hoặc để xử lý phần nước thải mà cơ sở sản xuất, kinh doanh không xử lý hết được.
Đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải riêng nhưng không có cán bộ có trình độ chuyên môn thì phải ký hợp đồng thuê cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này hướng dẫn việc vận hành nhà máy xử lý nước thải.
Thông tin dựa trên các văn bản pháp luật:
Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính Phủ về Quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
Bảo My