Xây dựng môi trường xanh trong các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Phú Thọ

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/2/2023 | 3:50:34 PM

QLMT - Xác định phát triển công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh Phú Thọ chủ trương chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Xác định phát triển công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong hoạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ luôn bám sát chỉ đạo trọng tâm của tỉnh là: "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - Ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định.


Hệ thống xử lý nước thải của CCN Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy

Sản xuất kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 KCN và 17 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó 4/4 KCN và 11/17 CCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3/4 KCN và 3/17 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở thứ cấp hoạt động trong KCN, CCN cơ bản đã đầu tư các công trình thu gom, xử lý khí thải; đầu tư khu vực lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại và hợp đồng với đơn vị có chức năng để định kỳ chuyển giao, xử lý theo đúng quy định.

KCN Thụy Vân (thành phố Việt Trì) có vị trí tương đối gần với khu vực sinh sống của người dân, do đó công tác bảo bảo vệ môi trường được KCN coi là một trong những mục tiêu hàng đầu. Từ năm 2016 đến nay, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Thụy Vân đã được xây dựng và hoạt động ổn định, đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải của KCN. Tổng khối lượng nước thải xử lý trung bình hằng năm khoảng trên 1 triệu m3 nước thải. Chất lượng nước thải sau xử lý luôn đảm bảo mức A quy chuẩn QCVN40: 2011/BTNMT. Ngoài ra, công tác xử lý chất thải rắn tại KCN cũng được đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Chất thải nguy hại được quản lý, lưu trữ và xử lý theo quy định.

Trên địa bàn huyện Yên Lập hiện có 2 CCN với 5 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động. Thực hiện chủ trương tăng cường phát triển công nghiệp trên địa bàn, huyện Yên Lập đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành mà tỉnh đang thu hút, ít ảnh hưởng đến môi trường như: May mặc, điện tử, công nghệ sinh học.

Ông Hoàng Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm phát triển CCN và công trình công cộng huyện cho biết: Hai CCN thị trấn Yên Lập và CCN - Tiểu thủ công nghiệp Lương Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các công ty đăng ký sản xuất kinh doanh trong các CCN khi xây dựng nhà máy cũng đều được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án.

Tháng 11/2017, UBND huyện Yên Lập đã phê duyệt dự án trạm xử lý nước thải tập trung trong CCN thị trấn Yên Lập với tổng mức đầu tư 4.815 triệu đồng, tuy nhiên vẫn chưa bố trí được kinh phí. Hiện nay huyện Yên Lập đang nỗ lực mời gọi nhà đầu tư vào thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng, sớm đưa trạm xử lý nước thải vào sử dụng để thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường.

"Với phương châm phát triển bền vững nên mục tiêu vừa đảm bảo sản xuất, vừa bảo vệ môi trường,ngay từ khi đi vào sản xuất, chúng tôi đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, trong quá trình vận hành chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay thế thiết bị cũ bằng những thiết bị mới, an toàn để giảm tác động xấu đến môi trường” - Ông Huỳnh Huệ Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam, Chi nhánh Phú Thọ (CCN thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập) khẳng định.

Nỗ lực bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Có thể khẳng định, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường KCN, CCN.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận. Ví dụ như sự việc liên quan đến vụ việc nước thải của Công ty cổ phần KPC Phú Thọ (CCN Đồng Lạng, huyện Phù Ninh) để nước thải sản xuất và nước mưa chảy tràn từ bãi nguyên liệu chảy vào hệ thống thoát nước mưa và xả ra mương thoát nước của khu vực gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực này.

Đối với sự việc này, Ban Quản lý các KCN đã phối hợp với UBND huyện Phù Ninh tổ chức kiểm tra. Ngày27/4/2021, UBND huyện Phù Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần KPC Phú Thọ với số tiền 100 triệu đồng và yêu cầu Công ty giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Ông Nguyễn Bá Thọ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Nhất quán quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Chú trọng, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, trong đó có biện pháp sàng lọc dự án, không tiếp nhận các dự án, loại hình sản xuất phát sinh nhiều chất thải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, từng bước góp phần phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là hoạt động kiểm tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng sử dụng công nghệ giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thuộc đối tượng thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu để theo dõi, giám sát. Tăng cường giám sát hoạt động quan trắc định kỳ của cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quan trắc tại cơ sở./.

Sơn Hà

Tags Xây dựng môi trường xanh cụm công nghiệp Phú Thọ

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục