Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nhiều dư địa để phát triển các khu công nghiệp. Để khai thác tốt lợi thế này, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ các khu kinh tế, khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đón làn sóng đầu tư, nhất là các dự án FDI nhằm giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao thu nhập cho người lao động không chỉ Thừa Thiên Huế mà cả các tỉnh trong Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Đồng thời, Thừa Thiên Huế đang định hướng phát triển Cảng Chân Mây cùng với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; liên kết đô thị Chân Mây và đô thị Đà Nẵng nhằm khai thác và phát huy lợi thế, trở thành động lực phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững
Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có nhiều điều kiện đặc thù về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, do vậy mục tiêu phát triển kinh tế bền vững luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm trên nhiều phương diện và trong từng lĩnh vực, với từng giai đoạn khác nhau.
Đặc biệt là trong giai đoạn 2021 - 2025, quan điểm và định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp. Tập trung ưu tiên hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh: công nghiệp hỗ trợ dệt may; công nghiệp năng lượng; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu và sử dụng sản phẩm chế biến sâu silicat (thạch anh) để sản xuất sản phẩm mới; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế.
Để công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế Thừa Thiên Huế, trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, ngành Công Thương của tỉnh đã đưa ra một số chỉ tiêu phát triển như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 14,5 - 15%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt từ 38 đến 39 %.
Để hiện thực các mục tiêu trên, ngành Công Thương của tỉnh đề xuất một số kiến nghị và giải pháp phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa và công khai quy trình thủ tục hành chính, triển khai thực hiện thủ tục hành chính theo hướng một cửa, một cửa liên thông, đặc biệt đối với các thủ tục đầu tư về lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, điều chỉnh các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn ưu tiên thúc đẩy di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào đầu tư mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp, phát triển hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
- Rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cần kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2025, trong đó tập trung các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ dệt may, công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế ....
- Tổ chức các hội thảo xúc tiến, chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước, các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực công nghiệp của tỉnh kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Thứ ba, thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp:
- Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
- Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất để sản xuất sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp; xây dựng lộ trình về đổi mới công nghệ hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành.
- Tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp chế biến thạch anh; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai theo tiến độ cấp phép; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư các dự án chế biến sâu; đề xuất các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu nuôi trồng thuỷ, hải sản, nguyên liệu gỗ rừng trồng được phục vụ các ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản và chế biến gỗ; nghiên cứu, bố trí quỹ đất và hỗ trợ phát triển cây dược liệu phục vụ ngành công nghiệp hóa dược.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và thế giới để nâng cao giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu công nghiệp.
Thứ tư, tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh:
- Tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ. Đối với khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng (khu công nghiệp Phú Đa, Quang Vinh và Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) thì đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng để tạo tiền đề thu hút đầu tư.
- Ưu tiên bố trí tập trung các nguồn lực ngân sách để đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (thứ tự ưu tiên theo tính cấp thiết); tranh thủ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, tập trung vào các hạng mục thiết yếu như nhà máy xử lý nước thải tập trung, san lấp mặt bằng, phục vụ thu hút các dự án đầu tư.
Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chủ lực, có chính sách thu hút các buổi đào tạo, dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp; xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, chú trọng chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho lao động kỹ thuật cao (chuyên gia kỹ thuật); xúc tiến mở thêm các ngành nghề đào tạo hoặc liên kết với các trường đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cao phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển./.
Sơn Hà (T/h)