Thái Nguyên: Các giải pháp bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2023 | 4:51:33 PM

QLMT - Hiện nay, nhà máy hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát sinh hơn 470 tấn chất thải rắn và khoảng 31.000m3 nước thải/ngày.

Tỉnh Thái Nguyên hiện đã được quy hoạch 7 KCN tập trung, với tổng diện tích 2.395ha. Trong đó, có 5 KCN đã đi vào hoạt động, còn lại 2 KCN chưa hoạt động. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang triển khai quy hoạch KCN Sông Công II mở rộng, với diện tích 300ha tại TP. Sông Công và Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, diện tích 900ha tại huyện Phú Bình (675ha đất công nghiệp và 225 ha đất dịch vụ và đô thị).

Tháng 3/2022, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất với diện tích đất KCN đến năm 2025 là 3.286ha và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 4.255ha tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 08/3/2022.

Đến tháng 9/2022, tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 267 dự án đầu tư FDI và dự án DDI.

Hiện nay, nhà máy hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát sinh hơn 470 tấn chất thải rắn và khoảng 31.000m3 nước thải/ngày. Để bảo vệ môi trường tại các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động xả thải, xử lý chất thải của các nhà máy. Đối với lượng chất thải công nghiệp, gồm: chất thải thông thường và chất thải nguy hại đều được các nhà máy ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ điều kiện để xử lý theo quy định.



Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Đối với các KCN mới được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải chung. Sau đó, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom về Khu xử lý nước thải tập trung của KCN. Tại đây, nước thải tiếp tục được xử lý đạt quy chuẩn loại A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) trước khi xả ra môi trường.

Còn đối với một số KCN được xây dựng và đi vào hoạt động từ hàng chục năm trước, do hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải. Vì vậy, hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đôn đốc chủ đầu tư từng bước hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định.

Về việc xử lý nguồn thải từ các khu công nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.

Ngoài ra, Ban cũng ban hành các văn bản đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải; đôn đốc thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định.

Đối với KCN Điềm Thụy A và KCN Sông Công II (do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư), Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng nghiên cứu bố trí nhân lực đảm bảo thành lập tổ, chốt kiểm soát hoạt động ra - vào của phương tiện vận chuyển chất thải của các đơn vị dịch vụ xử lý chất thải; các phương tiện vận chuyển chất thải phải được đăng ký ra vào KCN theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ đó, đảm bảo công tác chuyển giao, xử lý chất thải sẽ được quản lý, giám sát chặt hơn.

Tại các KCN, chủ đầu tư hạ tầng đều thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tần suất thực hiện 4 lần/năm.

Trong đó, quan trắc, giám sát đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, khí thải. Kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường của các KCN tại Thái Nguyên đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Ban sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN theo quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, hằng năm, Ban đều xây dựng kế hoạch lấy mẫu đột xuất tình hình xả nước thải, khí thải để đánh giá hoạt động xả thải.

Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý chất thải trong KCN trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm công tác quản lý, chuyển giao chất thải; tổ chức xây dựng kế hoạch chuyên đề làm việc với các doanh nghiệp về công tác quản lý chất thải để nắm bắt và hướng dẫn đơn vị thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải theo quy định.

Duy Anh (T/h)

Tags Thái Nguyên Giải pháp bảo vệ môi trường Khu công nghiệp

Các tin khác

Để giải quyết tình trạng ngập lụt, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bến Tre đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy về khiến mực nước các sông gần các khu công nghiệp (KCN) đều dâng cao.

Loạt cụm công nghiệp, làng nghề tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, mặc dù được đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp nhưng lại “bỏ quên” yếu tố đảm bảo môi trường trước khi đưa vào khai thác.

Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2021 của TP. Hải Phòng cho thấy, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục