Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh Trà Vinh phát triển mới 459 doanh nghiệp (DN), đạt 91,8% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, tăng 126 DN, đăng ký giao dịch qua mạng đạt 68,08% (cùng kỳ 54,1%), chuyển đổi 36 hộ kinh doanh lên DN.
Trong phát triển, củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương chủ động hỗ trợ DN ở nhiều lĩnh vực; trong đó, tập trung đến yếu tố sản xuất, kinh doanh gắn với thân thiện với môi trường. Tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, việc hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường để nhân rộng; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường; định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường; thúc đẩy nhiều dự án thân thiện với môi trường.
Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đã và đang quản lý công tác đảm bảo thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các DN ở khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.
Cụ thể, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã ban hướng dẫn các DN thực hiện thủ tục môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường đến các DN vào những ngày lễ: Giờ Trái đất, ngày Môi trường thế giới 05/6, ngày Quốc tế Đa dạng sinh học…; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong KCN. Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, trong KCN.
Khu công nghiệp Long Đức. ̣Ảnh: Internet
KCN Long Đức là điển hình gương mẫu trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. KCN Long Đức, thành phố Trà Vinh hiện nay có 32 DN đang hoạt động và 01 Trung tâm Quản lý và Phát triển hạ tầng (Trung tâm hạ tầng).
Tất cả các DN đang hoạt động trong KCN Long Đức đều có hệ thống thoát nước mưa; hệ thống xử lý nước thải (xử lý đạt cột B); đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Trung tâm hạ tầng, Trung tâm hạ tầng xử lý nước thải (đạt cột A) trước khi thải ra môi trường; các DN tự thu gom, quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đúng theo quy định của pháp luật, thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo quy định của pháp luật.
Trong KCN Long Đức có Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers điển hình trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Sản phẩm là phân tan chậm thông minh; lợi ích mang lại cho địa phương, cho cộng đồng, người dân là sau khi bón vào đất, độ ẩm của đất sẽ dần dần thấm sâu vào lớp vỏ bọc polymer, bắt đầu hòa tan dần dần các chất dinh dưỡng bên trong hạt phân. Các chất dinh dưỡng hòa tan và khuếch tán qua lớp vỏ polymer ra bên ngoài đến vùng gốc rễ, cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng với tỷ lệ tùy theo nhu cầu tăng trưởng của cây trồng.
Đến một giai đoạn nhất định, toàn bộ các hạt chất khoáng được hòa tan, chất khoáng tiếp tục phóng thích vào đất trồng. Sự phóng thích bắt đầu chậm lại, sau khi phóng thích phân hoàn toàn, vỏ bọc polymer của phân tan chậm sẽ trống rỗng, vỡ ra và phân hủy, không để lại dư lượng trong đất. Phân tan chậm chứa đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng, tất cả các dinh dưỡng này điều được phân giải từ từ thích ứng với tất cả các cây trồng và thời gian phân giải hết sau thời gian nhất định.
Nói về những yếu tố làm nên thành công của DN, bà Lâm Thúy Huyền, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers chia sẻ: môi trường ngày càng bị ô nhiễm do dư lượng phân bón. Mục đích giúp đời sống người dân bớt cực nhọc, bảo vệ môi trường, nên kết hợp tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp để tạo nông nghiệp thông minh, từ đó ra đời phân bón thông minh.
Hiện Công ty phối hợp với Viện Lúa - Gạo quốc tế (IRRI) thực hiện Dự án phân bón hữu cơ compost, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và làm giảm phát thải nhà kính. Dự án này tận dụng nguồn rơm, rạ, giá thể hữu cơ rơm… sử dụng nguyên liệu rơm để ép thành chậu rơm trồng cây và sau đó tự phân hủy chậu rơm, tạo chất hữu cơ để tái tạo đất./.
Duy Anh