Sắp diễn ra Liên hoan phim về thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2022 | 9:04:18 AM

QLMT - Liên hoan phim diễn ra từ ngày 23/9 đến ngày 7/10, trong khuôn khổ các hoạt động quốc tế thuộc Tuần lễ khí hậu 2022 (từ ngày 19-25/9) của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Sắp diễn ra Liên hoan phim về thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam
Liên hoan phim giới thiệu 17 bộ phim tới từ 14 quốc gia

Liên hoan phim nằm trong khuôn khổ các hoạt động quốc tế thuộc Tuần lễ Khí hậu 2022 (19 - 25.9) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, do Đại sứ quán Tây Ban Nha điều phối, với sự tham gia tổ chức của 14 quốc gia châu Âu, châu Mỹ Latin, Canada và Việt Nam: Bỉ - Wallonie - Bruxelles, Brazil, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Ireland, Na Uy, Peru, Tây Ban Nha, Anh, Venezuela và Việt Nam.

Tại họp báo sáng 20.9, Ban tổ chức cho biết, 17 bộ phim điện ảnh, tài liệu và phim ngắn về môi trường sẽ được trình chiếu, trong đó có nhiều buổi chiếu miễn phí dành cho công chúng theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (gồm các địa điểm: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, Trường Đại học Hà Nội, Casa Italia, Viện Goethe và ƯƠM Arthub).

Bộ phim tài liệu "Theo dấu chân loài báo” (đạo diễn Andoni Canela - Tây Ban Nha) được chọn chiếu khai mạc vào 19h ngày 23.9, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Phim ghi lại hành trình của Andoni Canela, một nhiếp ảnh gia thiên nhiên nổi tiếng cùng cậu con trai Unai trong chuyến phiêu lưu hấp dẫn đi tìm những loài mèo lớn trên hành tinh như báo đốm Mỹ, hổ, sư tử, báo sư tử, báo hoa mai... Sự khó khăn của nhiệm vụ, cách biểu đạt tuyệt vời của thiên nhiên hoang dã và sự nhạy cảm của hai cha con Andoni đã biến bộ phim thành lời kêu gọi bảo vệ môi trường đầy cảm xúc, đồng thời cũng là hành trình khám phá nội tâm của chính mình.

Theo ông Trịnh Quang Tùng, Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, vấn đề môi trường đang được cả thế giới quan tâm và Việt Nam không ngoại lệ. Các nhà làm phim trong nước sẽ tham gia sự kiện này với 2 bộ phim: phim tài liệu "Bám rễ” của tác giả Mai Đình Khôi đề cập đến giải pháp chống xói lở bờ biển; phim "Ô nhiễm trắng” của đạo diễn Dương Văn Huy đề cập ô nhiễm rác thải nylon.

Sau nhiều thập kỷ với các bằng chứng khoa học đáng báo động về sự sụp đổ của các giới hạn sinh thái, cùng với niềm tin rằng chúng ta phải hành động ngay trong thập kỷ quan trọng này, Liên hoan phim Thiên nhiên tại Việt Nam là hoạt động điện ảnh đầu tiên có sự tham gia của các bộ phim quốc tế và Việt Nam về chủ đề môi trường. Đại sứ Tây Ban Nha María Del Pilar Méndez Jiménez cho biết: "Với tư cách là điều phối viên của "It’s Time To Act - A Nature Film Festival in Vietnam”, chúng tôi rất vinh dự được làm việc cùng các tổ chức, xã hội dân sự, các cá nhân và cộng đồng môi trường từ 14 quốc gia trải khắp ba châu lục, với mục tiêu chung là thúc đẩy hợp tác quốc tế nâng cao nhận thức về một tương lai bền vững”.

TS. Trang Nguyễn, nhà sáng lập WildAct Vietnam - đối tác tổ chức mùa đầu tiên của Liên hoan phim - nhận định: phim tài liệu có thể sẽ là công cụ ngày càng quan trọng thu hút cộng đồng đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn, khi mà trải nghiệm ngoài thiên nhiên ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời sống con người. Khoa học đã chỉ ra rằng phim tài liệu về thiên nhiên có thể khiến người xem đồng cảm hơn với những loài xuất hiện trong phim, nâng cao quyền công dân về môi trường, tăng cường hỗ trợ các tổ chức bảo tồn, và tạo ra thái độ tích cực cũng như các chuẩn mực xã hội giúp hỗ trợ thay đổi về chính sách.

"Liên hoan phim sẽ đưa khán giả đến gần hơn với thế giới tự nhiên qua những thước phim kỳ diệu, từ Mỹ Latin, đến châu Âu và trở về Việt Nam. Bên cạnh những thước phim đẹp đến nghẹt thở về Trái đất, chúng ta cũng sẽ nhìn nhận được sự thật trần trụi thông qua những hình ảnh chân thực khiến người xem phải nổi cả da gà về những tác động khủng khiếp mà hành động của con người đang gây ra cho hành tinh... Tôi hy vọng khán giả sẽ theo dõi hai tuần lễ Liên hoan phim để yêu thương hơn Trái đất mà chúng ta đang sống, để được truyền cảm hứng, sẵn sàng cất tiếng nói, chia sẻ thông điệp, và quan trọng nhất là HÀNH ĐỘNG, cho tương lai của Trái đất và cả con người” - TS. Trang Nguyễn nói.

Đánh giá cao ý tưởng tổ chức Liên hoan phim Thiên nhiên tại Việt Nam, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, đối tác của Liên hoan phim chia sẻ: có nhiều hình thức truyền thông để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ra xã hội. Ban tổ chức đã chọn điện ảnh, nhằm truyền đi thông điệp một cách nhẹ nhàng nhưng có sức lan tỏa lớn. "Liên hoan phim tiếp nối những nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua ngôn ngữ điện ảnh tại Việt Nam, góp phần tạo ra tác động tích cực ở người trẻ tuổi".

Minh Anh

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục