Làng nghề ở xứ Huế hổi hả dịp Tết

  • Cập nhật: Chủ nhật, 30/1/2022 | 8:40:35 AM

Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng Chạp, các làng nghề nổi tiếng ở Cố đô Huế lại rộn ràng, tất bật sớm tối để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất phục vụ người dân, du khách trong dịp Tết Nguyên đán.

Thơm ngon mứt gừng

Huế lâu nay có rất nhiều nơi làm mứt, từ thành phố về các huyện, nhưng nổi tiếng và có vị ngon hơn cả vẫn là mứt gừng Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế). Còn giữa vô vàn loại mứt gừng của ba miền, mứt gừng Huế vẫn là một thương hiệu đặc biệt, với hương vị không nơi nào sánh được.

Nghề truyền thống này đã có từ hàng chục năm nay do cha ông truyền lại và dịp cuối năm cứ thường xuyên "đỏ lửa” bên dòng Hương thơ mộng. Tương truyền rằng, mứt gừng đã từng là món ngon để "tiến vua” thời xưa.

Làng nghề ở xứ Huế hổi hả dịp Tết - Ảnh 1
Mứt gừng xứ Huế đỏ lửa dịp giáp Tết

Gừng làm mứt thường được mua từ Tuần - vùng đất đồi pha sỏi phía tây bắc TP. Huế, nơi hai nhánh tả hữu sông Hương gặp nhau, rất lý tưởng cho cây gừng phát triển. Củ gừng Tuần tuy nhỏ nhưng thơm, cay và chắc. Gừng phải chế biến qua nhiều công đoạn như cắt, rửa sạch, thái lát, ngâm, luộc chín, sau đó bỏ vào chảo rim, đảo khô, đóng gói...

Công đoạn quan trọng nhất là rim lát gừng với đường. Từng lát gừng được rim với nước đường trên bếp nên miếng mứt gừng sẽ thấm vị, khô và cay nồng. Rim khoảng 10 phút thì mứt được đổ ra cái mâm để làm khô và sấy, miếng mứt có màu vàng ruộm là đạt chất lượng.

"Mỗi lò đều có cách để làm nên nét riêng của lát gừng. Mứt Kim Long có những bí quyết từ tỉ lệ đường đến thời gian nấu thật sự khác biệt. Từ đó tạo nên được những miếng gừng mỏng vừa phải, có màu vàng tự nhiên, cay, ngọt ngọt và giòn...”, một người làm mứt gừng chia sẻ.

Làng nghề ở xứ Huế hổi hả dịp Tết - Ảnh 2
Những mẻ mứt gừng thơm ngon

Mứt gừng Kim Long hầu hết được làm theo phương thức thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản. Với thời điểm Tết Nguyên đán đang sắp tới thì mỗi xưởng ở làng có thể sản xuất trên dưới 1 tạ mà vẫn "cháy” hàng.

Mứt hiện có giá trung bình khoảng 50.000 - 65.000 đồng/ký, góp phần giúp nhiều hộ có thu nhập không "giàu” nhưng vẫn ổn định và đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa dịp Tết.

Rực rỡ làng hương

Cách trung tâm TP. Huế chỉ tầm 7km, làng hương Thủy Xuân tọa lạc trên trục đường Huyền Trân Công Chúa (phường Thủy Xuân, TP. Huế). Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn.

Đến làng hương, không khí Tết thật rõ ràng, mùi thơm nồng nàn trong gió. Hàng ngàn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa, tạo thành một con đường hoa đủ sắc màu.

Làng nghề ở xứ Huế hổi hả dịp Tết - Ảnh 3
Nhiều công đoạn làm hương

Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như: hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm, nhưng hương trầm là loại hương tạo nên tên tuổi cho làng nghề Thủy Xuân. Mỗi cây hương trầm có ba nguyên liệu chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo. Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương.

Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa. Chất keo được tạo thành từ vỏ cây bời lời. Để làm nên những nén hương không chỉ đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu và trải qua các công đoạn công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất phải kể đến là gia công bột trầm và se hương.

Tùy vào loại hương mà có giá cả khác nhau. Hương trầm loại thông dụng giá 60.000/bó (1 bó = 100 cây hương); hương quế thì có giá tầm 30.000/bó. Trước kia, làng hương hầu hết làm thủ công, nhưng hiện nay có máy móc hỗ trợ nên hiệu quả cao hơn khá nhiều. Một ngày người làm hương Thủy Xuân có thể kiếm được trên dưới 200.000 đồng/người.


Rực rở sắc mùa làng hương Thủy Xuân

Những năm trở lại đây, người dân làng hương Thủy Xuân phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá làng nghề và cách làm hương đến du khách trong và ngoài nước. Làng hương Thủy Xuân giờ đây trở thành địa điểm du lịch đặc sắc thu hút du khách. Trung bình mỗi ngày có khoảng 25 - 30 đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm giúp người dân nơi đây càng có nhiều điều kiện hơn trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha.

Làng hoa giấy hơn 300 năm tuổi

Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, TP. Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Đây là ngôi làng có lịch sử hình thành từ lâu đời, cho đến thời điểm hiện tại, nghề làm hoa giấy đã được hơn 300 năm tuổi.

Vào những ngày tháng cuối năm như thế này, đi dọc từ đầu cho đến cuối làng Thanh Tiên, sẽ dễ dàng bắt gặp màu sắc sặc sỡ của những cánh hoa giấy trông rất đẹp mắt. Nhằm kịp đáp ứng cho thị trường ngày Tết, người dân nơi đây đang phải tất bật, cố gắng hoàn thành thật nhiều sản phẩm.

Hoa giấy ở làng Thanh Tiên có hai loại chính đó là hoa thờ cúng với nhiều màu sắc rực rỡ và hoa sen giấy có màu tím của xứ Huế mộng mơ. Hoa giấy Thanh Tiên luôn được nhiều người ưa chuộng và được sử dụng cho việc thờ cúng, hay dùng để trang trí ở miếu, am, táo quân, bàn thờ…

Làng nghề ở xứ Huế hổi hả dịp Tết - Ảnh 5
Người dân làng Thanh Tiên tất bật làm hoa giấy dịp giáp Tết

Công đoạn làm hoa giấy không phải dễ dàng, để làm được đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm dày dặn, đôi tay khéo léo và tỉ mỉ. Nhiều công đoạn khác nhau để tạo thành được sản phẩm, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như chọn tre lồ ô (để có được độ dẻo dai nhất định), chọn giấy, sau đó mới đến khâu làm sản phẩm như vót tre, phơi tre, nhuộm màu giấy, cắt cánh, nhụy hoa

Theo tìm hiểu, hoa thờ cúng chỉ cung cấp cho thị trường vào mỗi dịp Tết với giá 7.000 đồng/cặp, còn hoa sen giấy thì đưa ra thị trường quanh năm với giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/cây.

Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ nổi tiếng ở Huế, đây là sản phẩm luôn được ưa chuộng hàng đầu của các tỉnh thành lân cận. Thậm chí, các du khách nước ngoài không chỉ đến đây để tham quan, trải nghiệm, mà còn mua sắm để làm lưu niệm khi trở về nước.

Tuy chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề, nhưng hiện nay với các lễ hội nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống, đã làm cho làng hoa giấy Thanh Tiên ngày càng được nhiều người biết đến hơn, và đó chính là động lực lớn nhất để những người nghệ nhân nơi đây luôn cố gắng để giữ lấy nghề đặc trưng này.

Nguồn: Báo TN&MT

Tags Làng nghề Huế Tết

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục