QLMT - Rừng tràm Trà Sư là một khu rừng và khu du lịch sinh thái nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Ảnh: Trang Nguyen
Rừng tràm Trà Sư cách thành phố Long Xuyên gần 100km. Khu rừng sở hữu cảnh thiên nhiên hoang sơ bao la với nhiều loại động, thực vật hoang dã, bao gồm: 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điên điển phương Đông (Anhinga melanogaster); 11 loài thú thuộc 4 bộ và 6 họ, các bộ có số loài nhiều nhất là gặm nhấm (4 loài) và dơi (15 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam; 25 loài bò sát và ếch nhái, gồm 2 bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, rắn cạp nong; 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ.
Ảnh: @backpackersvietnam
Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài cây thuốc và 22 loài cây cảnh,…
Ảnh: Trang Nguyen
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Phần lớn loài cây ở đây là cây tràm trên 10 tuổi, cao 5 - 8 m. Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 với mặt nước phủ một màu xanh mướt của bèo cám.
Bạn có thể tham quan rừng tràm Trà Sư bằng thuyền. Vào sâu bên trong, rừng tràm Trà Sư còn có một ngọn tháp cao được xây dựng để du khách dễ dàng ngắm toàn cảnh từ trên cao của khu du lịch sinh thái này bằng kính viễn vọng (tầm nhìn đạt 25 km).
Theo kết quả khảo sát của BirdLife International và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, rừng tràm Trà Sư được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 1999, cả hai tổ chức nói trên đều đã đề xuất chính quyền địa phương xây dựng khu bảo vệ tại khu vực này. Ngày 27/ 5/ 2003, chính quyền tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường.
Vào năm 2020, khu rừng tràm Trà Sư đã đón nhận 2 kỷ lịch Việt Nam đó là "Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi" và "Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam".
Lâm Hà
Tags
Rừng tràm Trà Sư
du lịch sinh thái
rừng ngập nước
rừng đặc dụng
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.
Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.