Việt Nam hiện có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Theo thứ tự thời gian công nhận, đó là: Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn ở tỉnh Hà Giang (2010 - đầu tiên ở Việt Nam, thứ 2 ở Đông Nam Á), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng ở tỉnh Cao Bằng (2018), Công viên địa chất Đắk Nông ở tỉnh Đắk Nông (2020). Ảnh: Hoàng Hải Thịnh.
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, có diện tích hơn 2.350 km2. Nơi đây có độ cao trung bình 1.400-1.600 m so với mực nước biển, nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu, hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các vườn đá độc đáo... Đây cũng là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc anh em với văn hóa đặc sắc. Ảnh: Hải Thịnh.
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 160 điểm di sản địa chất thuộc 30 cụm di sản địa chất đã được xác định, phân bố trên các huyện thuộc phạm vi công viên. Ngoài ra, hiện còn nhiều di sản hang động, di sản hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở đây chưa có điều kiện nghiên cứu, đánh giá. Các địa điểm như hẻm vực Khe Lía, điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ... thu hút đông du khách khám phá. Ảnh: Lê Vinh Đệ.
Tuyến khám phá Phia Oắc - "Vùng núi của những đổi thay" đưa du khách theo hành trình hướng tây của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Các điểm dừng chân trên tuyến có di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồn điền chè Kolia, khu rừng Trần Hưng Đạo, nhất là vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, với đỉnh Phia Oắc cao khoảng 1.935 m, mùa đông băng tuyết có thể phủ trắng. Ảnh: Nguyễn Kim Phương.
Động Ngườm Ngao là một trong những điểm di sản ấn tượng, thu hút du khách khám phá ở Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Theo trang thông tin giới thiệu, động Ngườm Ngao tiếng Tày có nghĩa là động Hổ, do một dòng suối ngầm ở đây chảy rì rầm ngày đêm, phát ra âm thanh vọng vào vách hang nghe như tiếng hổ gầm. Theo kết quả khảo sát gần đây, động Ngườm Ngao dài gần 2.770 m, hiện mới khai thác du lịch một đoạn hang dài gần 950 m. Ảnh: Bohdan.salamakha.
Theo trang thông tin giới thiệu, Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích khoảng 4.760 km2, trên địa bàn các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông. Lịch sử địa chất nơi đây có từ 200-165 triệu năm cách ngày nay. Hoạt động núi lửa đã tạo ra những miệng núi lửa ngoạn mục, những thác nước hùng vĩ, hệ thống hang động núi lửa đồ sộ, độc đáo... Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc.
Theo trang thông tin Công viên địa chất Đắk Nông, Đắk Nông vốn là nơi sinh sống của 3 dân tộc bản địa là M'Nông, Mạ và Ê Đê, với những nét văn hóa độc đáo về trang phục, ẩm thực, làng nghề, lễ hội, sử thi... Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều dân tộc phía Bắc đã di cư đến Đắk Nông lập nghiệp, nên nơi đây trở thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em. Ảnh: Dak Nong GeoPark.
Theo Song Phúc/Zing