Cần nhiều hơn ở Bảo tàng gốm Bát Tràng

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2021 | 9:46:59 AM

Bảo tàng hình xoay gốm ở Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đang trở thành địa điểm tìm đến của rất nhiều người dân Hà Nội.

Gọi là bảo tàng nhưng thực chất đây là một trung tâm giao thương các sản phẩm gốm, kết hợp với trưng bày do một công ty tư nhân thực hiện. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có sự kết hợp, tạo ra dự án tổng thể cho Trung tâm Bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, nhằm tăng cường phát triển làng nghề và thu hút du khách.

Bảo tàng hình bàn xoay gây "sốt”

Dù đến tháng 6/2021, Bảo tàng gốm Bát Tràng mới chính thức đi vào hoạt động. Nhưng từ nhiều tháng nay, với kiến trúc độc đáo, được xây dựng lấy cảm hứng từ những đường cong của đất làm gốm trên bàn xoay, Bảo tàng gốm Bát Tràng đang trở thành một trong những địa điểm tham quan, check-in mới của người dân Hà Nội.

Cần nhiều hơn ở Bảo tàng gốm Bát Tràng
  Bảo tàng gốm Bát Tràng nằm trong Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Ảnh: Hoàng Lan

Bảo tàng gốm Bát Tràng tọa lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 15km, được khởi công xây dựng vào năm 2018 trên một khu đất rộng 3.700m2. Công trình nằm trong dự án Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt của công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và Hiệp hội làng nghề Hà Nội nhằm mục đích phát triển làng nghề. Tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt người ta không chỉ được xem trưng bày, tham gia các sự kiện về gốm, mà còn đứng trên tầng thượng ngắm cảnh, với không gian đầy cây xanh mát.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Hà Thị Vinh cho biết muốn lập ra Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt sau khi từ Nhật trở về. Ở đó, người Nhật đã làm rất hay chương trình mỗi làng một sản phẩm. Vì thế, bà muốn làng nghề Việt Nam, làng nghề Bát Tràng có thể được giới thiệu và bước ra thị trường nhanh nhất. Nhưng một câu hỏi đặt ra với giới bảo tàng là Bảo tàng gốm Bát Tràng của Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt đã gánh được hết câu chuyện về bảo tồn nghề gốm hay chưa?. Các chuyên gia cho rằng đây mới là dự án nhỏ, góp phần thu hút khách du lịch đến với Bát Tràng, và muốn có sự thu hút dài lâu thì cần những dự án tổng thể hơn nữa.

Xây dựng điểm đến hấp dẫn, bền lâu

TS Nguyễn Thu Thủy (khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, các làng nghề trên thế giới khi làm du lịch thường có xu hướng có các khu lưu trữ và giữ gìn kỹ thuật nghề. Khi khách thấy ấn tượng, việc mua sản phẩm cũng sẽ được thúc đẩy; chưa kể trải nghiệm này cũng kéo dài thời gian lưu trú. Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng gốm Bát Tràng nằm trong Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt mới hướng đến tiêu chuẩn trung tâm giao thương, chứ chưa đạt công năng của một bảo tàng, nên hiện tượng gây "sốt” có thể chỉ đạt ở thời gian mới ra mắt, chưa có tính bền chặt.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy ví dụ, tại tầng 2 của Bảo tàng dự kiến trưng bày 17 dòng họ góp phần tạo nên gốm Bát Tràng nhưng thiết kế kiến trúc không phù hợp, nhiều hạn chế trưng bày, khó đạt hiệu quả thu hút khách tham quan.

"Làm bảo tàng không có nghĩa là chỉ cần một kiến trúc công trình đẹp, thụ động trong cách trưng bày, đưa mấy bình gốm cổ giới thiệu sẽ không hấp dẫn người xem. Chúng ta đã có những bài học rất rõ về hệ thống bảo tàng nơi hút khách, nơi không một bóng người tham quan” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh. Yếu tố trọng tâm của bảo tàng gốm Bát Tràng, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy là phải kể được câu chuyện phát triển của làng nghề Bát Tràng từ trước và sau đổi mới. Câu chuyện đó phải được kể trong trưng bày chuyên đề, qua công nghệ và các sự kiện, trải nghiệm, có sự tương tác với khách tham quan. Có như thế bảo tàng về ngành gốm mới thu hút khách dài lâu.

Là một trong những mục tiêu, đề án của Chương trình 04-CTr/TU, giai đoạn 2021 - 2026, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo huyện Gia Lâm phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển Trung tâm Bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, tiến tới xây dựng thành Trung tâm Bảo tồn, phát triển sản phẩm gốm quốc gia, trình UBND TP xem xét, phê duyệt. Hiện nay từ việc dành quỹ đất, thực hiện giải phóng mặt bằng cho Trung tâm Bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng trong đó có Bảo tàng gốm Bát Tràng đã được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhiều người hy vọng, Trung tâm Bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, kết hợp với quy hoạch không gian làng nghề Bát Tràng, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt… sẽ tạo nên địa điểm thu hút khách du lịch bền chặt cho Hà Nội.

Theo Kinh tế đô thị

Tags Bảo tàng gốm Bát Tràng Gốm Bát Tràng Làng nghề Việt Nam Gốm Bát Tràng Bảo tàng

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục