Tân Yên là huyện miền núi bán sơn địa với diện tích gần 204 km2, những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của tỉnh Bắc Giang, huyện Tân Yên phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 12.2% (tăng cao nhất từ trước đến nay); cải cách hành chính được quan tâm, môi trường đầu tư được cải thiện; huyện Tân Yên cũng đã quy hoạch đến năm 2030 có 05 Khu công nghiệp và 08 Cụm công nghiệp để có quỹ đất chào đón, thu hút các nhà đầu tư; với hệ thống giao thông kết nối với vùng Thủ đô đồng bộ và thuận lợi; hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, văn hoá xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Cùng với đó, Tân Yên đã xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như: Vải thiều sớm với diện tích trên 1.300 ha; sản lượng ước đạt 1.400 tấn, hiện nay vải thiều sớm Tân Yên được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng, tin dùng; Vú sữa với diện tích cây vú sữa của huyện là 80ha, sản lượng ước đạt khoảng 250 tấn; Măng Lục trúc với iện tích gần 50ha, sản lượng ước đạt khoảng 550 tấn.
Ngoài ra còn nhiều sản phẩm đặc sắc như: Sâm Nam (15ha); Hành tía (400ha); Thịt lợn sạch; Mỳ Châu Sơn; Rượu Giáp Tửu… đang được huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển và người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu chỉ đạo tại Lễ xuất hành vải thiều sớm huyện Tân Yên đi thị trường Nhật Bản
Vải thiều sớm Tân Yên, một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và huyện Tân Yên; phát huy kết quả của nhiều năm qua, với những bài học kinh nghiệm từ thực tế; ngay sau khi kết thúc vụ vải thiều năm 2020, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang đã chủ động tổ chức triển khai và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vài thiều, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc vải thiều; mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap; các mã số vùng trồng đồi với thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trên thế giới. Quản lý chặt chẽ thị trường, không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly… Tăng cường kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại, để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tiếp tục phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện đã tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều sạch "Sạch – Không bị tác động của dịch bệnh Covid-19”, đó là: Đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều sớm của huyện; Tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều; lập các Tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch Covid-19; Kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng Covi-19.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toàn Cầu, đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải sớm sang Nhật Bản phát biểu tại Lễ xuất hành vải sớm
Đến nay có thể khẳng định, vải thiều sớm Tân Yên có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không bị tác động COVID-19.
Về thị trường tiêu thụ, huyện Tân Yên luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả ở trong nước và xuất khẩu, cụ thể : Đối với thị trường trong nước, huyện Tân Yên đã được kết nối tiêu thụ ngày từ đầu mùa vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các Tập đoàn, Siêu thị lớn Central Retail, Mega Market, Vinmart+…; các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, vải thiều sớm Tân Yên mở rộng, phát triển thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đối với thị trường nước ngoài: Vải thiều sớm Tân Yên được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc…. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân đăng ký thu mua vải thiều cảu huyện để xuất khẩu.
Lãnh đạo huyện Tân Yên rất mong cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tiếp tục tuyên truyền về thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên với chất lượng, mẫu mã vượt trội, được người tiêu dùng tin dùng
Hiện nay, huyện Tân Yên đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều. Thời gian thu hoạch năm nay dự kiến từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2021. Các cấp, ngành, các địa phương trong huyện đã chủ động sẵn sàng, chuẩn bị các điều kiện. Huyện Tân Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, chỉ đạo cung cấp dịch vụ hậu cần tốt nhất: nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác…
Cắt băng tại Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên năm 2021 đến với thị trường Nhật Bản
Đặc biệt, ngày 24/5 vừa qua, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dưới sự kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đơn vị phía Nhật Bản tạm thời uỷ quyền) tiến hành kiểm tra các điều kiện cần thiết về xông hơi, khử trùng quả vải thiều đạt tiêu chuẩn cao, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Gíang, thời tiết thuận lợi nên vải thiều được mùa, cho năng suất, chất lượng cao nhất từ trước đến nay.
Lô vải đầu tiên của mùa vụ 2021 gồm 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa được thu mua, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước khoảng 180 nghìn tấn. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên vụ vải thiều được thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, các địa phương cách ly xã hội nên đã khiến việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Toàn cảnh vùng trồng vải tại xã Phúc Hòa, Tân Yên. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bộ Công thương và chỉ đạo các địa phương, ban ngành có giải pháp thiết thực, cụ thể giúp nông dân tiêu thụ thuận lợi. Hiện, từ hạ tầng giao thông, xúc tiến thương mại đến các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ đều đã cơ bản đi vào vận hành.
Toàn bộ quy trình chăm sóc vải đều được cán bộ thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc bảo đảm an toàn và tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch tưới cho cây theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản.
"Các doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, tiếp tục kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với các doanh nghiệp để đầu tư vào địa bàn huyện Tân Yên”, đồng chí Đinh Đức Cảnh - Bí thư Huyện uỷ huyện Tân Yên chia sẻ./.
Tùng Anh