Cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài thứ hai ở Việt Nam. Ảnh internet
Nằm về phía đông đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn. Bán đảo Phương Mai gồm 3 xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải và phường Hải Cảng.
Đây là một vùng núi thấp có nhiều ngọn nhấp nhô. Cao nhất là đỉnh Núi Đen cao 361m, và một số đỉnh khác như hòn Mai, Diệp Chữ… Bán đảo Phương Mai được nối với dãy Triều Châu bằng một dải núi dài chừng 2 km, bề ngang nơi hẹp nhất chỉ độ 500m có tên là Eo Vược. Tận cùng phía nam của bán đảo trông như một lưỡi nhọn hình mũi mác, có nhiều hốc đá hiểm trở, nơi chim yến thường kéo về làm tổ. Nơi đây được gọi là Mũi Mác hay Mũi Yến. Dãy núi phía tây bắc Mũi Mác có một nhánh nhỏ, nhọn sắc như nanh cọp, được gọi là Gành Hổ. Nằm kẹp giữa hai dải núi này là một động cát, trên có bàu nước ngọt khá lớn.
Để đến bán đảo Phương Mai, từ TP. Quy Nhơn, du khách đi qua 5 cây cầu và cầu Thị Nại với tổng chiều dài 7km. Cầu Thị Nại được coi là cây cầu vượt biển dài thứ hai ở Việt Nam, với 54 nhịp và dài 2.477,7m nối liền khu kinh tế Nhơn Hội với TP. Quy Nhơn. Khi giao thông đường bộ nối liền, bán đảo Phương Mai càng trở nên hấp dẫn với nhiều dự án lớn đầu tư phát triển kinh tế, đô thị và du lịch.
Bán đảo Phương Mai sở hữu nhiều điểm tham quan du lịch rất đa dạng, độc đáo, có núi, có biển, có đảo, nhiều bãi tắm hoang sơ trong xanh, cồn cát trải dài, rạn san hô tuyệt đẹp, những làng chài bình yên, và còn ẩn dấu những di tích kỳ bí.
Bãi biển Nhơn Lý
Biển Nhơn Lý (còn gọi là biển Cát Tiến), nổi tiếng với những cảnh thiên nhiên ấn tượng, những khu rừng thông xanh tốt. Quang cảnh tự nhiên đa dạng dọc theo chiều dài của bãi, những đụn cát trắng tinh, những bãi cát thoải màu đen bóng huyền ảo, một số vị trí khác nhau là những núi đá khổng lồ nằm trơ trọi giữa bãi biển, đủ loại hình thù, màu sắc, nơi có bãi đá cuội độc đáo.
Eo Gió
Eo Gió, Quy Nhơn. Ảnh TITC
Eo Gió gần bãi biển Nhơn Lý, mang trong mình nét đẹp hoang sơ với eo biển xanh. Những dãy núi đá cao bao quanh với nhiều hình thù lạ mắt, tạo thế uốn cong như muốn ôm trọn eo biển hút gió tuyệt đẹp. Nét độc đáo cuốn hút của Eo Gió được tạo nên từ đá và nước. Dưới chân núi là bãi đá Đẻ với những con đường gập ghềnh. Bãi đá được bào mòn từ nước biển qua năm tháng, nên có nhiều kích thước và hình dạng kì thú. Bên cạnh đó, ở đây còn có 19 hang yến với những cái tên rất ngộ nghĩnh như hang Kỳ Co, hang Ba Nghé, hang Dơi, hang Sức Khỏe…
Bãi biển Kỳ Co
Bải biển Kỳ Co, Quy Nhơn. Ảnh TITC
Bãi biển Kỳ Co với cát trắng tuyệt đẹp giữa hai bờ đá khổng lồ. Nhìn từ trên cao xuống, toàn cảnh Kỳ Co thật hùng vĩ và tráng lệ. Đến đây, du khách có thể đi bộ dọc theo bãi biển ngắm khung cảnh nên thơ của trời, biển và đá núi, bơi trong làn nước trong xanh quyến rũ và đi thuyền.
Trước kia, chỉ có thể đến Kỳ Co bằng thuyền (được thuê từ các làng Eo Gió, Nhơn Lý, Xương Lý hoặc Nhơn Hải), nhưng gần đây, có thể đi xe trung chuyển (hoặc đi bộ) theo một con đường đẹp tuyệt chạy qua các vách đá phía nam Eo Gió, đến tận con dốc cuối cùng (quãng đường khoảng 6km).
Biển Nhơn Hải (phía nam bán đảo), nơi du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu của các gành đá cùng những điểm đến hoang sơ hấp dẫn khác như đỉnh núi Cột Cờ, làng chài nằm sát ngay bãi biển; đặc biệt là một đoạn thành cổ Champa nằm cách bờ khoảng 200m trải dài thẳng tắp, nhấp nhô trên mặt sóng. Dạo chơi, bắt ốc, cạy hàu, câu cá… trên dãy thành cổ Champa chỉ nhô lên mặt biển khi thủy triều xuống là trải nhiệm cực lạ, chỉ có ở Nhơn Hải.
Đảo Hòn Khô
Hòn Khô hấp dẫn du khách bởi "con đường xuyên biển” dài 500 mét. Ảnh internet
Đảo Hòn Khô (còn được gọi là cù lao Hòn Khô) nằm ngoài khơi gần bãi biển Nhơn Hải, thu hút sự tò mò và thích thú của khách du lịch nhờ làn nước sạch, bãi cát trắng mịn, đồng cỏ xanh và những rạn san hô tuyệt đẹp.
Điểm thú vị là từ tháng 3 đến tháng 9, du khách đến Hòn Khô (Quy Nhơn) có thể khám phá "con đường xuyên biển” độc đáo dài hơn 500 mét, nối liền hai dãy núi. Không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy con đường độc đáo này do mực nước lên xuống tuỳ theo từng mùa. Con đường xuyên biển chỉ xuất hiện khi thủy triều rút.
Làng chài địa phương
Bán đảo Phương Mai là nơi sinh sống của một số làng chài bình yên nằm ở dìa chân núi bên bờ biển đẹp như làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải… Nơi đây khách du lịch có thể nhìn thấy nhiều lồng cua lớn, nhiều chiếc thuyền xanh, gặp nhiều ngư dân thân thiện và cởi mở.
Đầm Thị Nại
Với diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10 km, chỗ rộng nhất tới gần 4km, đầm Thị Nại là một trong những đầm nước mặn lớn nhất ở Bình Định.
Đầm Thị Nại hội tụ dòng chảy của các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh, vẽ lên bức họa thủy mặc hữu tình hấp dẫn khách du lịch gần xa.
Trong đầm có Cồn Chim, được ví như lá phổi xanh của Quy Nhơn. Với diện tích rộng gần 1.000 ha, Cồn Chim có hệ sinh thái đa dạng, gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển có tới 25 loài, hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá, có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng.
Những ngôi chùa trên bán đảo
Tịnh xá Ngọc Hòa
Gần sườn núi của Eo Gió là không gian linh thiêng của Tịnh xá Ngọc Hòa, được khánh thành vào tháng 5 năm 1962. Tòa chánh điện vừa cổ kính vừa hiện đại. Tịnh xá Ngọc Hòa nổi tiếng với bức tượng đôi Quan Âm cao 18m (cao nhất Việt Nam) với kiến trúc ấn tượng, nhìn về 2 hướng, một bức hướng về phía nam, tay cầm tràng hạt và kinh sách được gọi là Quan Thế Âm Khiết Tường, còn một bức hướng về phía biển (hướng bắc), tay cầm tịnh bình cam lộ được gọi là Quan Thế Âm Nam Hải. Trong khuôn viên tịnh xá có bảo tháp, nhiều bức tượng như tượng Phật Di Lặc, tượng bốn mặt với nụ cười bí ẩn, và nhiều cây cổ thụ, cây cảnh.
Chùa Phật Lồi
Chùa ở Hải Giang, xã Nhơn Hải. Chùa Phật Lồi được tạo dựng từ khi người Hải Giang tình cờ phát hiện tượng Phật bằng đá từ dưới đất lồi lên trên ruộng canh tác dưới chân đồi cách nay khoảng 200 năm. Trong chùa hiện thờ một pho tượng bằng đá sa thạch, cao 80 cm, ngang 46 cm, mang phong cách Chăm muộn, được chế tác dưới dạng một vị Bồ Tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng, tay phải lần tràng hạt, tay trái đặt ngửa trên hai chân, sau lưng có dòng chữ Phạn, dân quen gọi là chữ bùa.
Ngoài ra, nằm về phía bắc bán đảo, du khách có thể tham quan Chùa Ông Núi (tọa lạc trên đỉnh Chớp Vung, huyện Phù Cát), nơi có bức tượng Phật Thích Ca khổng lồ (chiều cao 108m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52m). Từ vị trí ngôi chùa, du khách có thể ngắm toàn cảnh bán đảo Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại.
Vườn thú FLC Safari cách đầu cầu Thị Nại (bên Nhơn Hội) khoảng 9km về phía bắc. Với diện tích 38,5 ha, vườn thú FLC Safari được xây dựng theo mô hình bán hoang dã, là nơi bảo tồn hơn 1.000 cá thể động vật. Các động vật quý, hiếm được chăm sóc và bảo tồn trong không gian gần với môi trường tự nhiên. Đây là "Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học”, nhằm bảo tồn nguồn gen động vật quý, hiếm, mang tới những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Các đồi cát ở Phương Mai được cho là lý tưởng để chơi trượt cát bởi chiều cao từ 20m, nơi cao nhất đến 100 m so với mực nước biển và độ dốc vừa phải. Các đồi cát đẹp chủ yếu nằm dọc hai bên đường quốc lộ 19B trên bán đảo Phương Mai. Hiện nay khu vực này còn khá hoang sơ.
Ẩm thực
Đến Phương Mai, du khách đừng quên thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn của mảnh đất Bình Định như cua Huỳnh Đế, chả ram tôm đất, lẩu tôm hùm, nhum biển, bào ngư nướng mỡ hành, ốc vú nàng, bún chả cá, bánh hỏi lòng heo,…
Theo moitruongdulich.vn