Hoàn thiện văn bản luật
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN và thứ 50 trên thế giới chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar).
Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về đất ngập nước. Điển hình là Nghị định số 109/2003/NĐ-CP của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý đất ngập nước để thực thi Công ước Ramsar (năm 2019, Nghị định này được thay thế bằng Nghị định số 66/2019/NĐ-CP); Quyết định 04/2004 của Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch hành động về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2004 - 2010.
Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên.
Bên cạnh đó, Luật Đa dạng sinh học 2008 được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa vào nội dung về vùng đất ngập nước quan trọng và dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản. Trong các yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại dự án đầu tư có bao gồm các vùng đất ngập nước quan trọng…
Để cụ thể hóa các điều quy định trong các Luật và Nghị định, Bộ TN&MT đã ban hành các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động của ngành TN&MT. Bộ đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT ngày 31/8/2020 quy định chi tiết các nội dung tại Điểm c, Khoản 1, Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tổng cục Môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn quy trình, thủ tục đề cử công nhận khu Ramsar. Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang trình Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định thành lập Mạng lưới các khu Ramsar của Việt Nam; Quyết định công bố Danh mục vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc.
Thành lập 47 khu bản tồn, phát triển sinh kế vùng đệm
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện bộ khung pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng khôn khéo đất ngập nước thông qua lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, trong đó có các khu Ramsar.
Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước; đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 14 khu.
Theo thống kê, vùng đất ngập nước có hệ đa dạng sinh học vô cùng phong phú với khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.
Để thực thi những chính sách pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển bền vững vùng đất ngập nước, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đúng theo 3 nguyên tắc cơ bản. Đó là, nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.
Tiếp cận và triển khai những nguyên tắc này, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sinh kế mới, sinh kế thay thế cho người dân địa phương; có chính sách di dân ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn, định hướng phát triển du lịch sinh thái và chăn nuôi vùng đệm để xóa đói nghèo…từ đó hình thành một số mô hình bảo tồn và quản lý đất ngập nước dựa vào cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình quản lý rừng ngập mặn ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); bảo vệ rừng dừa nước tại Cẩm Thanh (Quảng Nam); đồng quản lý và chia sẻ nguồn gen ở các Vườn Quốc gia và Khu Ramsar Xuân Thủy (Nam Định); Tràm Chim (Đồng Tháp). Nhất là đồng quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ thông qua việc cho phép cộng đồng vào trồng cây ăn quả xung quanh Vườn, đồng thời gắn với trách nhiệm bảo vệ các hệ sinh thái trong Vườn, góp phần giữ gìn các giá trị đa dạng sinh học tại đây.
Mai Chi/Báo TN&MT