Ga Đà Lạt nhìn từ trên cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/4/2021 | 2:42:51 PM

QLMT - Đà Lạt đẹp không chỉ ở núi đồi, thác hồ, hoa cỏ… những vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng mà còn gây ấn tượng đặc biệt ở lối kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Tây. Nơi đây được kiến tạo như một thành phố châu Âu với nhiều công trình, biệt thự có kiến trúc độc đáo mang phong cách Pháp kết hợp hài hòa với những dấu ấn văn hóa bản địa. Cuộc kiến thiết diễn ra đã mang đến cho Đà Lạt một diện mạo mới mẻ và sang trọng.

Một trong những hình ảnh đã trở thành biểu trưng của thành phố là ga Đà Lạt mơ màng những chiều mưa bay hay hửng mình trong nắng sớm. Nhà ga tàu hỏa Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến 1938, lấy cảm hứng từ thiên nhiên nơi đây tạo nên một phong cách kiến trúc vô cùng độc đáo.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-1

Nhà ga có ba hình mái chóp và các mái ngói ở chân tam giác như sườn núi. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và nhà rông Tây Nguyên, với hình dáng như núi Langbiang hùng vĩ nhưng vẫn mang đậm hơi thở từ nước Pháp xa xôi.

Tổng chiều dài của nhà ga là 67m, chiều ngang 11,4m và chiều cao là 11m.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-2

Ngắm nhìn mặt trước của nhà ga thấy mái và hai đầu mái uốn vòm. Ở mái chóp giữa có đặt chiếc đồng hồ, bên dưới có sắp đặt các ô cửa kính đầy màu sắc và những đường lượn cong mềm mại của mái hiên.

Với thiết kế theo kiểu mái xuôi của miền trung nước Pháp nên mái đủ độ dốc như sườn núi giúp thoát nước nhanh và không bị bám rêu.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-3

Với mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc đối xứng qua các trục vuông, sự đồ sộ của công trình kiến trúc này thể hiện rõ qua hệ vì kèo đỡ mái bằng bê tông với chiều cao lên đến 6m. Những kiến trúc xưa vẫn được lưu giữ gần như trọn vẹn, các ô cửa được lắp kính tạo hiệu quả ánh sáng cho toàn bộ khu vực bên trong nhà ga.

Thiết kế trần nhà theo lối vòm cao, xung quanh có các ô kính màu.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-4

Phòng bán vé, phòng khách, phòng nhận hàng… tạo thành một dãy dài thanh thoát. Những dòng chữ quốc ngữ "Lý trình hỏa xa”, "Cáo thị giờ tàu” mang đậm sắc màu ga Đà Lạt. Mặt sau nhà ga, từ dãy hành lang nhìn ra là một đường hỏa xa chạy dài. Là một nhà ga tàu hỏa, ga Đà Lạt cũng có một đời sống riêng nhưng rất hài hòa với đời sống giản đơn, bình dị, phóng khoáng giữa núi rừng của người dân nơi đây.

Với lối kiến trúc độc đáo, ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương, đồng thời còn là nhà ga cao nhất Việt Nam vì nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển. Năm 2008, ga Đà Lạt được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-5

Ga Đà Lạt là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84km. Những ngày đầu xây dựng vô cùng gian khó khi đường tàu phải băng qua bao nhiêu núi đồi nhưng thành quả đạt được rất đáng tự hào.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-6

Đường ray và đầu máy của ga là đường ray và đầu máy răng cưa. Mô hình đường ray và đầu máy này được thiết kế theo kiểu của Thụy Sĩ để đi đường đèo núi. Đường sắt có 3 đường ray và phần răng cưa nằm ở giữa. Lối cấu trúc này chỉ có ở Thụy Sĩ và Đà Lạt khiến cho ga Đà Lạt khác biệt hẳn với những nhà ga khác.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-7
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-8
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-9
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-10

Là tuyến đường sắt đầu tiên nối Phan Rang với Đà Lạt, ga Đà Lạt đã từng là tuyến giao thông vô cùng quan trọng. Từ 1972 đến 1975 tuyến đường sắt này đã có những thời điểm phải ngưng hoạt động rồi được khôi phục lại tiếp tục chuyên chở hành khách.

Sau năm 1975, với sự lên ngôi của các phương tiện chở khách bằng ôtô, ga Đà Lạt dần rơi vào quên lãng và chỉ thật sự được đánh thức vào những năm 90.

Từ đó đến nay, nhà ga chủ yếu được khai thác để phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch. Tuyến đường duy nhất hiện nay là từ nhà ga sang trại Mát dài 7km đưa du khách khám phá phố núi và chùa Linh Phước. 

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-11

Theo wikipedia hiện ga Đà Lạt giữ các "kỷ lục”: 1. Nhà ga cao nhất; 2. Nhà ga cổ nhất cùng với ga Hải Phòng, lâu đời nhất ở Đông Dương; 3. Đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất chỉ có ở Đà Lạt; 4. Nhà ga độc đáo nhất; 5. Nhà ga đẹp nhất Việt Nam.

Ga Đà Lạt còn lại một chiếc đầu máy hơi cổ kính in dấu thời gian trở thành nơi cho du khách chụp ảnh kỷ niệm. Những toa tàu cũ trở thành quán cà phê. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều mờ sương, ga Đà Đạt vẫn đẹp mãi với thời gian bởi phong cách kiến trúc vừa duyên dáng vừa độc đáo, ấn tượng trong từng chi tiết.

Khung cảnh hài hòa giữa thiên nhiên và tổng thể thống nhất giữa những tòa nhà bung nở một vẻ đẹp cổ điển phương Tây giữa lòng phương Đông.

ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-12
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-13
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-14
ga-da-lat-nhin-tu-tren-cao-15

Tuy chạy tốc độ rất chậm và đầu tàu kêu to, thế nhưng lại là điểm hấp dẫn của nhà ga phục vụ du khách tham quan ngắm cảnh trên đường đi. Và cùng với lối kiến trúc độc đáo, đây là điểm check-in không thể bỏ qua của du khách khi đến xứ sở ngàn hoa.


Theo Quang Ngọc/ Người Đô Thị

Tags Ga Đà Lạt Đà Lạt châu Âu kiến trúc độc đáo

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục