Chiêm ngưỡng kiến trúc Angkor trăm tuổi ở chùa Xiêm Cán

  • Cập nhật: Thứ bảy, 20/3/2021 | 11:30:26 AM

QLMT - Là quần thể kiến trúc tôn giáo cổ và lớn bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Xiêm Cán với những tháp, điện cùng các họa tiết xếp tầng lên nhau đều mang dáng vóc của những Angkok đậm chất Campuchia.

Lời tòa soạn:

4 tỉnh "láng giềng" Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi có đông người Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, lãng du dọc các tỉnh miền Tây này còn là dịp chiêm ngưỡng hàng trăm ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy.

Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này khám phá vẻ đẹp "Lộng lẫy những ngôi chùa Khmer Nam Bộ” với những tiên nữ Kâyno lấp lánh dưới mái chùa Khmer; Chén Kiểu, ngôi chùa của những mảnh sành làm nên "kiệt tác"; chùa Xiêm Cán, Monivongsa Bopharam đẹp rực rỡ theo phong cách Khmer với tông màu vàng chủ đạo, điểm tô nhẹ những màu sắc ấn tượng khác như cam, đỏ, xanh…

Được xây dựng từ năm 1887 và thuộc hệ phái Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer, chùa Xiêm Cán tọa lạc ở xã Hiệp Thành, nơi chỉ cách trung tâm thị xã Bạc Liêu khoảng 7km về phía Đông Nam. Những năm gần đây, chùa mở cửa cho du khách vãn cảnh và trở thành một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu.

Cái tên Xiêm Cán của chùa xuất phát từ tiếng Tiều (tiếng của những người gốc Triều Châu, Trung Quốc sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là "giáp nước” bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh bãi bồi ven biển. Cũng theo tiếng Khmer, Xiêm Cán cũng mang nghĩa là "Sông sâu" (Kouphir Sakor Prekchrou).

Cổng chùa với tông màu vàng đất dịu mắt, mang đậm sắc thái Khmer. Bên trên là hình ba ngọn tháp, mô phỏng theo kiến trúc Angkor và tượng hình rắn nhiều đầu được chạm trổ công phu. Bao quanh chùa nối với cổng là các bức tường rào, nơi chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt. Từ cổng vào trung tâm chùa Xiêm Cán là một khuôn viên rộng với những cây sao, cây dầu cổ thụ, xếp thẳng hàng và tỏa bóng mát rượi. 


Với kiến trúc đặc sắc, vị trí trung tâm trên nóc sala của chùa trang trí hình ảnh đền Angkor Wat, nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer.

Chánh điện của chùa Xiêm Cán được xây dựng từ năm 1887 với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng. Dù đã trải qua hơn một thế kỷ, nhưng kiến trúc vẫn vững vàng trong khuôn viên chùa như biểu tượng của sự chắc chắn, trường tồn.

Bên trong chánh điện chùa Xiêm Cán, trẻ em trước tuổi trưởng thành (18 tuổi) được học chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh… cũng như tìm hiểu được những bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Chánh điện chùa Xiêm Cán tọa lạc trên nền gạch cao 1,5m với ba bậc cấp cùng một hành lang bao quanh. Mái của chánh điện có cấu trúc theo nhiều tầng, lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Trên các nếp mái lại đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng thì uốn cong ngược lên như những ngọn lửa.

Bên trong chánh điện, cao hơn hết là một bàn thờ Phật với một tượng Phật to lớn, đặt trên các tượng Phật khác ở nhiều tư thế khác nhau - biểu hiện cho các thời kỳ hóa thân của Phật. Đặc biệt, trong chánh điện chùa có rất nhiều bức phù điêu, bích họa trang trí nhiều màu sắc trên vách, trên trần và các cột. Các bích họa này kể lại cuộc đời của đức Phật và truyện Reamker (phiên bản Campuchia của trường ca Ramayana, một sử thi Ấn Độ nổi tiếng) đã để lại nhiều cảm xúc cho khách viếng thăm chùa cũng như sự khâm phục những nghệ nhân tạo nên các bích họa đó.


Hình tượng rắn thần 5 đầu Nagar trang trí bên ngoài chánh điện chùa Xiêm Cán.


Trong chánh điện, cao hơn hết là một bàn thờ với một tượng Phật lớn, đặt trên các tượng Phật khác ở nhiều tư thế khác nhau biểu hiện cho các thời kỳ hóa thân của đức Phật.


Khuôn viên rộng với những cây thốt nốt lâu năm cao vút, xếp thẳng hàng ở ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1887. Mái chánh điện của chùa được cấu trúc thành nhiều tầng, lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp.

Phía ngoài chánh điện, chùa Xiêm Cán được bố trí khá hài hòa với Sala, tăng phòng, am, tháp cốt; trong đó, Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer dùng để bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên chánh điện hành lễ. Sala cũng được trang trí các tiết họa, các bích họa trên vách và trên trần. Quanh chánh điện là rất nhiều tháp để cốt của người quá cố. Đây là đặc trưng để nhận ra các ngôi chùa Khmer từ bên ngoài khi các ngọn tháp nhọn cao vút, xếp xen kẽ với nhau.


Khắp các công trình kiến trúc trong chùa, dễ dàng bắt gặp nhiều tượng rắn thần Naga 5 đầu. Đây là hình ảnh tượng trưng cho lòng vị tha của Đức Phật, ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được thuần hóa và phục thiện.


Cổng chùa phía trên có 3 tòa tháp lớn, nơi mô phỏng kiểu kiến trúc Angkor của người Campuchia và tượng hình rắn nhiều đầu được chạm trổ công phu.


Bao quanh chùa là những bức tường chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt khiến chùa Xiêm Cán nổi tiếng là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.


Quanh chánh điện của chùa, khu mộ tháp yên bình dưới bóng cây xanh.

Không chỉ là nơi thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa Xiêm Cán cũng như các ngôi chùa Khmer khác ở Nam Bộ còn là trung tâm văn hóa, giáo dục của phum, sóc, lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống. Tại đây, trẻ em trước tuổi trưởng thành (18 tuổi) được đưa đến chùa khoảng 3 năm để học chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh… và tìm hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.

Bài và ảnh: Trọng Chính/Reatimes

Tags kiến trúc Angkor chùa Xiêm Cán

Các tin khác

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn

Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Thế giới đã một lần nữa ghi nhận sự quý báu của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà khi Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS) chính thức công nhận khu vực này là Di sản Địa chất quốc tế, cùng với 99 địa điểm khác trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục