Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát động Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ ba
- Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 2:37:41 PM
QLMT - Nhân dịp kỷ niệm 108 năm ngày sinh GS.VS. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2021), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát động Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ ba (năm 2022) nhằm vinh danh cá nhân nhà khoa học có công trình khoa học định hướng ứng dụng thực sự xuất sắc.
Lễ trao tặng giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019
Các nhà khoa học ứng cử là người đã hoàn thành hoặc đang chủ trì các công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ: Toán học, Cơ học, Khoa học thông tin và khoa học máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học về sự sống, Khoa học về Trái đất. Các công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước. Mặt khác, các công trình khoa học ứng cử phải được tác giả công trình tổ chức triển khai ứng dụng ở Việt Nam, và được ghi nhận có đóng góp hoặc có triển vọng đóng góp đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cho đất nước.
Hội đồng xét Giải thưởng do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quyết định thành lập (5-7 thành viên), hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, tiến hành bỏ phiếu kín. Viện sẽ trao Giải thưởng cho tác giả có công trình khoa học xuất sắc khi có tỉ lệ phiếu bầu đồng ý đạt 3/4 trở lên tính trên tổng số thành viên tham dự.
Hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng xin gửi về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) qua Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, trước ngày 31/12/2021 tính theo dấu bưu điện.
Cơ cấu giải thưởng
- Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học.
- Mỗi công trình gồm tối đa 03 thành viên chính tham gia xét tặng Giải thưởng.
Quyền lợi của nhà khoa học được tặng Giải thưởng
- Được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Được nhận tiền thưởng.
Thời gian xét Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2022
- Tiếp nhận hồ sơ: từ 08h00 ngày 13/9/2021 đến 17h00 ngày 31/12/2021.
- Công tác xét chọn Giải thưởng: từ tháng 01/2022 đến tháng 4/2022.
- Trao Giải thưởng: tháng 5/2022.
Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2022
- Hồ sơ đề nghị xét tặng do tổ chức hoặc nhà khoa học có uy tín thông qua tổ chức có tư cách phát nhân giới thiệu ứng viên hoặc do ứng viên tự đề cử và gửi đến Hội đồng Giải thưởng.
- Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng (được niêm phong) bao gồm:
+ Bản giới thiệu ứng viên được đề nghị xét tặng Giải thưởng (mẫu TĐN01) hoặc Bản Đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng (mẫu TĐN02);
+ Bản thuyết minh các công trình khoa học được xem xét và bản sao các công trình khoa học, các văn bằng sở hữu trí tuệ có liên quan (TĐN03);
+ Lý lịch khoa học của ứng viên (mẫu TĐN04);
+ 01 bản điện tử ghi trên đĩa quang (dạng pdf);
+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Năm 2016 lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Quy chế và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức (năm 2016 và năm 2019), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xét tặng được 06 Giải thưởng tôn vinh 14 nhà khoa học có các thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ, trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. |
Hà Thắm
Tags Giải thưởng Trần Đại Nghĩa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công trình khoa học xuất sắc tôn vinh giải thưởng nhà khoa học
Các tin khác
Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.