Di tích tiền sử đầu tiên trên miệng núi lửa cổ
TS. La Thế Phúc - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất) cho biết: Trong các đợt khảo sát thực địa thuộc Đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (mã số TN17/T06), ông cùng các cộng sự đã phát hiện di tích khảo cổ thời tiền sử ở Hố Tre (Đắk Lắk). Đây là di tích tiền sử đầu tiên được phát hiện trên miệng núi lửa ở Nam Tây Nguyên. Miệng núi lửa có hình khá tròn, đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm/phun nổ, phân bố ở độ cao ~578m so với mực nước biển. Bên trong lòng chảo của miệng núi lửa có hồ nước nguyên thủy khá tròn trịa với hình "trăng khuyết”. Phần khuyết của "trăng” là gò đồi đất chứa di vật tiền sử với mật độ dày đặc. Các hiện vật đã được sưu tầm trên mặt gò đồi này bao gồm: các công cụ đá (rìu hình chữ nhật, rìu bầu dục, rìu ngắn, bàn mài, hòn kê, hòn ghè, hòn lấy lửa, chày nghiền, công cụ mảnh tước…), mảnh tước các loại, phác vật, hạch đá, đá nguyên liệu và mảnh gốm.
Chất liệu di vật đá có thành phần chủ yếu từ đá basalt, thứ yếu là cát bột kết, cát bột kết dạng quartzit, đá sừng - là sản phẩm đá cuội của các đá gốc kề liền di tích. Mảnh gốm ở đây có đặc điểm thô, cứng, độ nung không cao, được làm từ sét pha cát hạt trung - thô; và được vỡ từ thân và miệng các vật dụng, phản ánh vật dụng có hình tròn với kích thước không lớn (nồi đất dùng để đun nấu, đồ đựng gia dụng…)
Địa tầng di tích Hố Tre còn nguyên vẹn, trầm tích tại chỗ, chứa đựng di vật khảo cổ với mặt độ lớn. Quan sát vách kênh đào thoát nước dân sinh tại đây cho thấy, tầng văn hóa di tích Hố Tre không dày (<1m) và thuần nhất 1 lớp văn hóa, chứng tỏ quá trình sinh sống liên tục của người tiền sử tại di tích.
Tổ hợp công cụ lao động chủ yếu của cư dân Hố Tre giống với hình dáng công cụ cùng loại thuộc văn hóa Hòa Bình, nhưng khác công cụ Hoà Bình ở chỗ: phần lớn ở đây được ghè bóc hết vỏ cuội ở cả hai mặt, chứng tỏ đã phát triển ở mức cao hơn và có thể đã biết đến kỹ thuật mài sơ khai. Di tích Hố tre thuộc loại hình di tích cư trú và di tích xưởng. Cư dân tiền sử đã đến miệng núi lửa Hố Tre, định cư trong khoảng thời gian dài và liên tục; đã chế tác, hoàn thiện công cụ đá ngay tại nơi cư trú. Nguyên liệu chế tác công cụ được lựa chọn từ những hòn đá, cuội phân bố tại chỗ và ở các bãi sông suối kề liền trong khu vực với thành phần chủ yếu là basalt olivin, basalt olivin - augit thuộc hệ tầng Xuân Lộc; thứ yếu là các đá cát bột sét kết đã bị biến chất nhẹ của hệ tầng La Ngà.
Khảo sát gò đất chứa di vật trên miệng núi lửa Hố Tre
Di sản hỗn hợp của thiên nhiên và con người
Theo TS. La Thế Phúc, di tích Hố Tre chưa được khai quật để nghiên cứu chi tiết, nhưng theo đánh giá sơ bộ ban đầu về khảo cổ học, đặc trưng về kỹ thuật chế tác và loại hình công cụ cho thấy di tích Hố Tre đặc trưng cho thời đại Đá Mới. Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng, bổ sung thêm tư liệu nghiên cứu về thời đại Đá Mới ở khu vực Nam Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặt khác, di tích nằm trên miệng núi lửa - thuộc di sản địa chất kiểu địa mạo, có cảnh quan đẹp; và yếu tố tự nhiên đặc thù miệng núi lửa, đặc biệt là họng trũng núi lửa chứa nước và có đá nguyên liệu tại chỗ, được cư dân Hố Tre khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn cơ bản của con người nơi đây. Điều này tạo nên tính độc đáo của di sản Hố Tre - di sản hỗn hợp có giá trị nổi bật cả về thiên nhiên và con người.
Di tích Hố Tre phân bố trong lưu vực sông Sêrêpốk - lưu vực sông lớn nhất khu vực Tây Nguyên chảy sang Campuchia. Đây là một di sản kép/di sản hỗn hợp của thiên nhiên và con người, có giá trị khoa học nổi bật trong nghiên cứu tiền sử Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh chung của Đông Nam Á. Di sản hỗn hợp Hố Tre đã và đang bị "vô tình” xâm hại nặng nề bởi những hoạt động nhân sinh (như san ủi hạ độ cao miệng núi lửa, khoan đào giếng lấy nước tưới tiêu, làm nhà cửa…), rất dễ bị phá hủy trong tương lai gần, cần được bảo vệ, bảo tồn khẩn cấp.
"Di tích Hố Tre nằm cách quần thể di sản hang động núi lửa nổi tiếng của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông khoảng 6 - 7 km về phía Đông Bắc. Nếu được khai quật theo hướng bảo tồn, tiến tới xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ gắn với khai thác du lịch, đây sẽ là điểm đến tuyệt vời trong mối liên kết với quần thể di sản hang động núi lửa, tạo thành chuỗi du lịch sinh thái "Trở về cội nguồn” của khu vực Nam Tây Nguyên, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong liên kết vùng và hội nhập” - TS. La Thế Phúc khẳng định.
Theo Mai Đan/ baotainguyenmoitruong.vn