Phát hiện hạt vi nhựa trong trầm tích ở vịnh Đà Nẵng

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/3/2021 | 2:27:13 PM

QLMT - Chỉ thị số 33/CT -TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngày 20-8-2020 đã chỉ rõ: “Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang, và sẽ gây thiệt hại lớn lao cho môi trường sinh thái ở nước ta”.

Chất thải nhựa ở biển đã tác động tiêu cực đến sức khỏe con người do con người ăn phải các loài sinh vật nhiễm hạt vi  nhựa trong cơ thể. Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Môi trường đã khảo sát và phát hiện hạt vi nhựa trong trầm tích ở vịnh Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng). 
hat vi nhua

Theo các nhà khoa học, ước tính hơn 80% chất thải nhựa trong lòng biển có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. Khoảng 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tích tụ ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc lơ lửng sát mặt biển.

Thuật ngữ "Microplastic” tạm dịch là hạt vi nhựa lần đầu tiên được sử dụng liên quan các mảnh vụn của nhựa phân tán trong môi trường biển. Microplastic thường được phân loại thành các loại sơ cấp và thứ cấp, loại sơ cấp ban đầu được sản sinh có kích thước <5 mm, trong khi Microplastic thứ cấp là kết quả của sự phá vỡ của các mảnh nhựa lớn hơn. Các nguồn khác của Microplastic bao gồm chất mài mòn công nghiệp và hạt nhựa tiền sản xuất được sử dụng để sản xuất các mặt hàng nhựa có kích thước lớn hơn. Nguồn của Microplastic thứ cấp bao gồm các vi sợi có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất như dệt may, lốp xe, bụi và các vật phẩm nhựa lớn hơn bị phân hủy.
vi nhua 2
Vi nhựa dạng sợi

Trong hai năm (từ năm 2019 đến năm 2020) các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài nghiên cứu khảo sát, phân tích mẫu trầm tích tại vịnh Đà Nẵng - thành phố Đà Nẵng và phát hiện có hạt vi nhựa tại đây. Kết quả phân tích mẫu cho thấy hạt vi nhựa thu được trong nghiên cứu này có kích thước dao động trong khoảng 0,45 µm - 3 mm. Các hạt vi nhựa thu được chủ yếu có màu đỏ, ngoài ra còn có màu xanh và trong suốt với hình dạng sợi (microfiber) chủ đạo trong tất cả các mẫu. Các mảnh nhựa khác (microfragement) thì chủ yếu trong suốt và có màu xanh.
vi nhua3
Vi nhựa dạng hạt và có màu xanh
   
Theo PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Phó viện trưởng Viện công nghệ Môi trường, dựa trên kết quả thu được, nhóm tác giải đưa ra một số kết luận ban đầu như sau: tại các vị trí ven bờ, khối lượng hạt vi nhựa đạt giá trị cao nhất, dao động trong khoảng 0,07 - 0,084 g vi nhựa/kg trầm tích. Càng ra xa bờ, khối lượng hạt vi nhựa càng giảm dần. Thành phần hạt vi nhựa chủ yếu ở dạng sợi (microfiber, 48,4%), tiếp đến là dạng mảnh (microfragments, 26,2%), dạng màng (microfilm, 12,5%) và dạng cầu (microbead, 12,9%). Các hạt vi nhựa thu được thuộc các nhóm polymer như PP, PE, PA, PVC, PS và HDPE. Đây là những loại polymer thường trong các vật dụng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người và đã phát tán vào môi trường và lắng đọng lại trong lớp trầm tích của vịnh. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung khảo sát sự có mặt của Microplastic trong trầm tích tại Vịnh Đà Nẵng, với mong muốn đưa ra những luận cứ về sự tích tụ loại chất thải này trong môi trường và kết quả của nghiên cứu nói trên có thể được sử dụng làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo. Đây là việc làm thiết thực của Viện công nghệ Môi trường trong việc thực hiện Chỉ thị số 33/CT - TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20-8-2020. 

HÀ HỒNG

Tags hạt vi nhựa trầm tích ô nhiễm trắng

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục