Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn - Công viên địa chất toàn cầu thứ 4 tại Việt Nam được UNESCO công nhận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2024 | 10:05:44 AM

QLMT - Vào hồi 15h30, ngày 08/9/2024, Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn
Khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn


Thung lũng Bắc Sơn

Công viên địa chất Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập từ năm 2021. Công viên gồm 38 điểm tham quan thuộc bốn tuyến du lịch gồm: tuyến "Khám phá thế giới thượng ngàn”; tuyến "Hành trình về miền thiên giới”; tuyến "Cuộc sống dân dã nơi trần thế”; tuyến "Đường đến thủy cung”.

Vừa qua, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, điều tra và khảo sát thực địa nhiều thập kỷ nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định rằng, tỉnh Lạng Sơn có đầy đủ các giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở một công viên địa chất toàn cầu.

Công viên Ðịa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 08 huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và TP. Lạng Sơn với tổng diện tích 4.842,58 km2 và dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

Cùng với tất cả sự nỗ lực cố gắng, ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó, đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO).

Vào hồi 15h30, giờ Việt Nam, ngày 08/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.


Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Đặc điểm và giá trị di sản địa chất


Hang Nà Lả với những nhũ đá độc đáo

Quá trình karst hóa cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng Công viên địa chất Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Về mặt cấu trúc khối karst hóa nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn là một phức nếp lồi lớn bị chia cắt thành những khối riêng lẻ với nhiều vết nứt tạo điều kiện cho sự thâm nhập của sông suối vào hệ thống hang động.

Khối đá vôi Bắc Sơn thuộc khu Karst Đông bắc Việt Nam có diện tích khoảng 1.500 km2. Sơn khối Bắc Sơn có độ cao trung bình 400 -700 m so với mực nước biển, thuộc vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành với lượng mưa trung bình năm 1.380 mm, chế độ mưa phân hóa làm 2 mùa.

Đa dạng sinh học phong phú



Theo http://birdlifeindochina.org/source_book thì đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó đặc biệt đáng chú ý là các loài: Hoàng đàn Cupressus torulosa, Nghiến Burretiodendron tonkinensis, Trai Garcinia fagraeoides.

Theo Nguyễn Xuân Đặng et al. (1999) thì ở khu hệ động vật Hữu Liên đã ghi nhận được 57 loài thú, 23 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Trong số đó, có 29 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Tác giả cũng khẳng định sự có mặt của loài Hươu xạ Moschus berezovskii và hai loài linh trưởng là: Voọc đen má trắng Semnopithecus francoisi francoisi và Vượn đen Hylobates concolor.

Hoa hồi vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
Hoa hồi vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Một số đại diện tiêu biểu của đa dạng sinh giới Lạng Sơn ngày nay đã trở thành nổi tiếng như hoa hồi (diện tích Hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 34.825 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn được coi là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ), Đào phai và đặc biệt, có cây Sấu thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam với trên 1.000 năm tuổi ở Bản Nầng, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, cây đa, cây khế 300-500 năm tuổi ở xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn...

Di sản văn hoá phi vật thể

Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập trên phạm vi hành chính của 05 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. CVĐC Lạng Sơn là nơi có thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa sắc màu, đặc biệt có nhiều giá trị văn hoá phi vật thể.

Lễ hội Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn
Lễ hội Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn

Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm mỗi khi tết đến xuân về vào dịp nông nhàn là một nét văn hóa cổ truyền đặc trưng. Các lễ hội truyền thống trong vùng CVĐC được tổ chức với mục đích chính là tưởng nhớ công lao của những người có công với làng xã và lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội cầu mùa với mục đích cầu xin thần nông và các thần linh phù hộ cho dân bản đươc một vụ mùa tốt tươi.

Các hoạt động trong phần nghi lễ của lễ hội thể hiện rõ nét phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc trong vùng CVĐC Lạng Sơn, phần hội với nhiều trò chơi truyền thống: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, múa sư tử, hát Sli…

Vùng CVĐC là nơi còn lưu giữ được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống và lưu giữ được nhiều các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích: Truyện Thạch Sanh; Sự tích Thạch Sùng, Vua Nghiêu Vua Thuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Công Trân - Cô tử (Tống Trân - Ngọc  Hoa), Lượn Sơn Bá - Anh Đài...:  đó là các làn điệu Dân ca: có hát then, lượn, quan làng, ví, phong slư, sli, cò lẩu, …của người Tày Nùng; người Dao có hát páo dung; người Mông có hát đối đáp (Hu nhạu) và hát tự sự (hát ống); người Sán Chay (nhóm Sán Chỉ) có xắng cọ; người Cao Lan có hát Sình Ca…). Trong đó hát then đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải qua hàng trăm năm sinh sống, lao động đồng bào các dân tộc nơi đây đã xây dựng được một kho tàng kiến thức đồ sộ về: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, vẻ đẹp của sắc chàm trong trang phục truyền thống của đồng bào các chàng trai cô gái dân tộc Tày, Nùng cùng những điệu then, sli, lượn…vào những dịp lễ hội đầu năm tạo nên một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt.

Đồng bào các dân tộc trong vùng CVĐC vẫn còn lưu giữ được nhiều các phong tục, tập quán cổ truyền: Lễ cấp sắc người Dao, Lễ mừng sinh nhật, Tết Thanh Minh 3/3, Ngày 5/5 âm lịch ăn tết Đoan ngọ của người Tày, Ngày 6/6 âm lịch là lễ cơm mới với ý nghĩa mong được vụ mùa tốt tươi, xua đuổi dịch bệnh, Ngày 14/7 âm lịch mang ý nghĩa xá tội vong nhân, cúng lễ cho các vong hồn oan khuất, không có nơi nương tựa.

Lễ cấp sắc của người dao
Lễ cấp sắc của người dao

Các làng nghề thủ công truyền thống là một trong những nét đặc sắc của trong vùng CVĐC Lạng Sơn với đôi bàn tay khéo léo các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt chất chứa  đầy ắp tinh thần, tình cảm và tấm lòng của đồng bào dân tộc tộc nơi đây.

Việc công nhận công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như, cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, dự kiến vào năm 2025, tại Chi Lê.

Trước đó, Việt Nam đã có ba công viên địa chất khác được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm: Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất non nước Cao Bằng; và Công viên địa chất Đắk Nông.

Tham khảo: langsongeopark.com.vn
LÂM HÀ