Nhân rộng các khu công nghiệp sinh thái

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2024 | 9:17:54 AM

Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống thành KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để Việt Nam kiến tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Các KCN sinh thái đang được nhân rộng tại Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Hình thành các khu công nghiệp xanh, sạch

Đến KCN Nam Cầu Kiền tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, nhiều người ngỡ ngàng khi nghĩ mình lạc vào công viên. Điểm nổi bật nhất ở đây chính là những mảng cây xanh mướt mát, những hồ cá xuất hiện dày đặc trong KCN. Dù các nhà máy đang trong cao điểm sản xuất phục vụ hàng hóa cuối năm nhưng không thấy tiếng máy chạy ồn ào cũng như những ống khói xả đen kịt. 


Nhà máy sản xuất xanh thuộc Tập đoàn An Phát Holdings, Hải Dương. Ảnh: ĐAN THANH 

KCN Nam Cầu Kiền do Công ty Cổ phần Shinec làm chủ đầu tư, là KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec cho biết, tại KCN này đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm khoảng 33% diện tích đất KCN. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng 24/24 giờ các ngày trong tuần; 81,4kWh điện được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành KCN.

Đặc biệt, 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường... tiết kiệm được 6 tỷ đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công ty Cổ phần Shinec đã đầu tư máy tự phân hủy rác thải hữu cơ của Nhật Bản về để xử lý rác thải tại KCN Nam Cầu Kiền. Mục tiêu của Shinec là phấn đấu đến hết năm 2024 đạt "zero rác thải” ở khu KCN, rác thải sẽ được xử lý 100%. 

Không chỉ có KCN Nam Cầu Kiền, tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ đối tác nước ngoài, mô hình KCN sinh thái được hình thành từ năm 2014. Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm sự chuyển đổi, đồng thời nhân rộng mô hình tại một số địa phương. Mô hình này đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7-2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, trong số đó có khoảng 10 KCN đã chuyển đổi, phát triển theo mô hình KCN sinh thái.

Tại tỉnh Hải Dương, ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, doanh nghiệp đang phát triển hai dự án là KCN An Phát Complex và An Phát 1 theo hướng KCN sinh thái, thân thiện môi trường. Ngay từ khi bắt đầu triển khai các dự án, các nhà xưởng phải được xây dựng theo hướng xanh và sạch, có hệ thống xử lý rác thải, khí thải và nguồn nước đạt chuẩn; Tập đoàn An Phát Holdings cũng khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư tại KCN triển khai xây dựng những công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện năng.

Tạo lợi thế lớn trong thu hút đầu tư

Chia sẻ lý do vì sao việc chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN sinh thái và xây dựng các KCN sinh thái mới đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho hay, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các KCN truyền thống, song sự phát triển nhanh chóng của các KCN thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% KCN đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh KCN. Cùng với đó, tại các KCN truyền thống hiện nay, doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết những lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.


 Dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của Tập đoàn An Phát Holdings. Ảnh: ĐAN THANH

Đặc biệt, theo bà Vương Thị Minh Hiếu, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sản phẩm kinh tế tuần hoàn thì việc phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy thu hút đầu tư, để hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). "Việc phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn để phát triển bền vững, mang lại lợi ích to lớn cho các KCN và cộng đồng dân cư xung quanh trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế-xã hội-môi trường”, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết.

Từ kinh nghiệm của nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc tổ hợp KCN Deep C (Hải Phòng) chia sẻ: "Nếu như cách đây 6 năm, chúng tôi nỗ lực giúp Việt Nam được biết đến trên bản đồ thu hút đầu tư thì giờ đây, chúng tôi phải trả lời cho các nhà đầu tư rằng KCN hỗ trợ họ như thế nào về ESG (môi trường-xã hội-quản trị), chứng chỉ carbon...".

Tạo đồng bộ về chính sách

Là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững, song việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái hay xây dựng mới các KCN sinh thái đang gặp không ít thách thức. Trong đó, các vấn đề về hành lang pháp lý, nguồn vốn... là những trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Như quy định về nước thải, các nhà đầu tư hạ tầng KCN cho rằng hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra ngoài môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với công nghệ xử lý nước thải mới, nước thải sau xử lý hoàn toàn có thể dùng cho nhiều mục đích.

Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, hiện các hệ thống về quy chuẩn, tiêu chuẩn cho KCN sinh thái cũng chưa hoàn thiện. Dẫn chứng về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong KCN là một trong những giải pháp cho KCN sinh thái, song đến nay vẫn chưa có quy định về việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại KCN. Thêm vào đó, việc xây dựng KCN sinh thái hiện nay liên quan đến nhiều luật khác nhau như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... do vậy còn thiếu hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách.

Hình thành hệ thống KCN sinh thái là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song, để thực hiện được mục tiêu này cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế phù hợp. Đối với hành lang pháp lý, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện những quy định liên quan đến KCN sinh thái để tháo gỡ các khó khăn về vốn, quy chuẩn, kỹ thuật...

Riêng về nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kết nối với quỹ, mạng lưới hỗ trợ về chuyển đổi KCN trên thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các dòng tín dụng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi những văn bản pháp lý về môi trường, tài nguyên nước để khuyến khích các KCN phát triển theo mô hình mới, trong đó có mô hình công nghiệp sinh thái.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững các KCN trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho rằng cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới. Trong đó, KCN sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư hạ tầng. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích để doanh nghiệp có động lực triển khai theo mô hình phát triển bền vững.

Vũ Dung/qdnd.vn