Hồ chứa lớn hay những dự án trái tự nhiên chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2024 | 10:22:37 AM

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Vị trí xây hồ chứa tại Đồng Tháp đặt gần Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, diện tích xây dựng khoảng 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3. Hồ chứa thứ hai nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) dung tích 1 tỷ m3. Từ những đề xuất này, trong bối cảnh định hướng phát triển ĐBSCL đã hoàn toàn thay đổi từ 2017 bằng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ phát triển ĐBSCL với tinh thần "thuận thiên”, coi nước mặn, ngọt đều là tài nguyên, đảo chiều trật tự ưu tiên cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa đứng chót, sau cây ăn trái và thủy sản. Vì sao một nghị quyết được đánh giá là đột phá lớn cho ĐBSCL vẫn chưa hiệu dụng sau hơn 7 năm được ban hành?

Với mối quan tâm rộng hơn, phân tích sâu hơn về những rào cản chính sách, pháp lý, thực trạng hiện nay, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Đại học Fulbright Việt Nam), và ghi ý kiến của ThS. Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL), PGS-TS. Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ).

Sau đây là ý kiến của PGS-TS. Lê Anh Tuấn.


PGS-TS. Lê Anh Tuấn

Những đề xuất làm hồ chứa là để trữ nước trong mùa mưa, sau đó dùng nước đó để cấp cho mùa khô qua hệ thống kênh rạch có sẵn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tiếp cận được đồ án chi tiết của hai đề xuất xây hai hồ chứa tại Đồng Tháp và Hậu Giang nên cũng hơi khó để có thể đánh giá có những tác động gì không ngoài mục tiêu trữ nước.

Theo thông tin tôi đọc được, quy mô hồ tại gần Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) có dung tích 1,5 tỷ m3 nước, diện tích cần sử dụng khoảng 27.000 ha, hồ thứ hai nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) có dung tích 1 tỷ m3, diện tích hơn 17.000 ha. Như vậy, nếu lấy thể tích nước chia cho diện tích, thì độ sâu trung bình của hồ phải vào khoảng 5 - 5,5m. Tôi nghĩ là cần xem xét thận trọng một số lưu ý.

Thứ nhất, đào sâu như vậy là mình đã chạm tới tầng phèn bên dưới đất, đặc biệt là phèn tiềm tàng (pyrite). Khi đưa phèn tiềm tàng lên tiếp xúc với không khí, nó bị oxy hóa thành phèn hoạt động (jarosite) và làm cho nước bị chua, độ pH xuống thấp. Đáng lo ngại hơn, điều này không chỉ làm chua nước trong hồ mà còn có nguy cơ lây lan lượng phèn qua những vùng canh tác xung quanh. Tôi nghĩ xử lý lượng phèn này cũng là vấn đề cần đánh giá.

Vấn đề thứ hai, nếu vào mùa khô, mực nước trong hồ hạ thấp, hồ đó sẽ sâu hơn bất cứ chỗ nào khác và có nhiều khả năng hồ sẽ rút nước ở những nguồn nước mặt chung quanh như ao, kênh rạch hay những vùng trũng. Như vậy hồ chứa có thể làm khô hạn hơn từ việc rút nước ở trong ao hồ của người dân xung quanh xuống. Thứ ba, phải tính toán bao nhiêu người dân sẽ bị mất đất đai canh tác, cư trú để đền bù cho họ. Kế tiếp, phải xem xét những vị trí này có mục đích sử dụng đất hiện là gì, chẳng hạn có rừng không, hoặc vấn đề đa dạng sinh học ở đó có gì cần lưu ý không?

Do vậy, cần cân nhắc là thay vì làm một hoặc hai cái hồ thật lớn, thật sâu hay chọn phương án phát triển nhiều hồ chứa nước nhỏ hơn, khoảng vài ha, sâu chừng 1,2 - 1,8m nhưng rải đều khắp các vùng nông thôn. Hồ nhỏ thì dễ quản lý công trình, không cần đào quá sâu đến tầng phèn tiềm tàng, chống được thất thoát nước và dễ cho nông dân lấy nước trực tiếp, không phải làm công trình dẫn nước đi xa.


Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL vì khai thác nước ngầm. Ảnh: TL

Thực ra trước đây, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên là những vùng trũng tự nhiên lớn nhất đồng bằng. Nhưng thời gian qua, do mục tiêu gia tăng sản xuất lúa và các hoa màu khác, chúng ta đã xây nhiều đê bao chống lũ hoặc làm một kênh thoát lũ khiến dung tích chứa nước lũ giảm đi đáng kể. Muốn trả lại hiện trạng như xưa cũng là một vấn đề khó khăn vì nhiều vùng dân cư và hạ tầng có cao trình thấp đã hình thành trong vùng đê bao. Bây giờ đối với tất cả các đề xuất, theo tôi phải rất thận trọng, nếu không khéo khi đi tìm cách giải quyết vấn đề này có khi lại tạo ra những vấn đề khác. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã có từ năm 2017 và hoàn toàn phù hợp với tinh thần tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng với những thay đổi. Rõ ràng thực tế ngày càng chứng minh rằng cái gì làm trái tự nhiên thì chỉ có lợi ích ngắn hạn trước mắt, chứ về lâu về dài thì khá bất lợi.

Chẳng hạn, ngày xưa mình coi nước mặn như là một trở ngại cho phát triển nông nghiệp. Bởi vì khi đó ta hiểu nông nghiệp chủ yếu cho cây lương thực thôi. Nhưng bây giờ Nghị quyết 120 coi nước mặn, nước lợ đều là nguồn tài nguyên cả. Tùy vùng, ở đâu nước mặn ta sẽ chọn nuôi trồng thủy sản chẳng hạn hay canh tác loại nào đó phù hợp. Có nghĩa là nguồn nước nào mình cũng có thể tìm cách sử dụng được. Nghị quyết 120 phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, với chủ trương xoay trục, ngày xưa cây lúa được ưu tiên trong chính sách sản xuất, nay đưa ưu tiên hàng đầu là nuôi trồng thủy sản vì không làm mất nguồn nước nhiều, nước loại nào nuôi loại đó, sau đó tới cây ăn trái - hoa màu và cuối cùng mới là lúa.

Thế nhưng, bây giờ để thực hiện Nghị quyết 120 cũng không phải dễ. Vì thứ nhất, nông dân mình đa số là nghèo, thiếu vốn, đất đai manh mún. Một nông dân đang trồng lúa mà muốn chuyển qua nuôi trồng thủy sản thì có nhiều hạn chế cho họ. Do không có vốn, thiếu kỹ thuật chuyên môn và hạ tầng như hệ thống thủy lợi trước kia được thiết kế cho mục đích sản xuất lúa là chính. Trong khi đó, nuôi tôm chẳng hạn, đòi hỏi phải có kênh cấp, thoát nước riêng và hệ thống xử lý. Còn trồng lúa đơn giản chỉ cần đào con kênh dẫn nước để tưới là được. Nghị quyết 120 đã có 7 năm nay rồi nhưng không thay đổi khu vực đồng bằng được bao nhiêu do nhiều khó khăn khi phải chỉnh sửa những hạn chế trước đó.


Hái hoa súng ma trên đồng lũ Long An. Ảnh: Vnexpress

Hai nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng nhất của ĐBSCL là đất và nước. Để thay đổi cơ cấu kinh tế thì chính sách đất đai cho đồng bằng cần phải có những thay đổi phù hợp với tư duy phát triển mới nhưng e rằng lại không phù hợp với luật lệ hiện hành. Bây giờ đất đai trong nông dân càng ngày càng manh mún, trung bình một nông hộ có diện tích canh tác vào khoảng 0,5 - 0,7 ha. Diện tích nhỏ như vậy thì khó có thể sản xuất đồng đều, chất lượng, đồng thời cũng rất khó đầu tư cơ giới hóa hay thủy lợi chẳng hạn. Như vậy nên chăng mở rộng hạn điền cho nông dân, tức là chấp nhận người làm nông sẽ trở thành một điền chủ lớn có hai ba chục ha, thì lúc đó mới sản xuất lớn được, hàng hóa mới đồng bộ, có giá trị cao.

Chắc chắn điều này sẽ tạo xáo trộn cơ cấu đất đai ban đầu, một số nông dân nghèo sẽ bán đất cho người làm nông nghiệp có vốn nhiều hơn để đi làm những nghề khác hoặc làm công nhân nông nghiệp trong nông trại. Nhưng đó là xu thế của các nước phát triển. Dần dần tỷ lệ nông dân ngày càng ít đi. Trong khi chúng ta thì nông dân quá nhiều mà lợi nhuận đem lại không tương xứng. Ta phải thấy khi muốn gia tăng giá trị nông sản và sản xuất lớn thì phải có những cánh đồng lớn hơn và tích tụ diện tích tốt để có sự đầu tư hợp lý.

Và đối với vấn đề hạn điền, hiện có một điều băn khoăn. Bên công nghiệp hay những ngành nghề khác, việc mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, kể cả đất đai thì gần như không có quy định giới hạn. Trong khi nông nghiệp, nông dân thì giới hạn sở hữu diện tích đất đai canh tác khiến chúng ta khó có những nông trang và điền chủ sản xuất lớn.

Theo Người đô thị