Hỗ trợ chuyển đổi carbon thấp, chống chịu biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/7/2024 | 2:46:31 PM

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ cần phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và luôn chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh.

Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ cần phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.


Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu đem lại nguồn năng lượng phong phú. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0” vào năm 2050.

Ngay sau Hội nghị, Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã khởi động đàm phán Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thông qua vào ngày 14/12/2022, nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Vương quốc Bỉ.

Việt Nam là nước thứ 3, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng.

Trong năm 2024, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đã và đang xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng, khung hành động chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi và đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng 2024.

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn, chuyển đổi năng lượng công bằng là một phần của xu thế toàn cầu thực hiện chuyển đổi công bằng.

Các quốc gia đã thống nhất chủ trương tại Hội nghị COP27, COP28 và sẽ tiếp tục thảo luận tích cực nội dung này tại COP29 năm 2024 ở Baku (Azerbaijan).


Từng bước thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước, đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện mặt trời và 15 dự án điện gió với tổng công suất trên 3.342MW. (Ảnh: TTXVN)

Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi carbon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi carbon hóa hệ thống điện, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng "0.”

Để biến cam kết quốc tế trở thành quy định cụ thể, Ban Thư ký Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng được thành lập tại Quyết định số 845/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, là tổ công tác giúp việc Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 trong điều phối giải quyết những công việc liên quan đến Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng, đồng thời phối hợp với Nhóm Các nước Đối tác quốc tế trong triển khai thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng.

Hiện có 4 nhóm công tác: Nhóm tổng hợp, Nhóm Công nghệ và Năng lượng, Nhóm Tài chính, Nhóm Thể chế chính sách và đầu tư; do một số bộ chủ chốt thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng làm trưởng nhóm và hàng trăm thành viên.

Tháng 12/2023, Việt Nam và Nhóm Các nước Đối tác quốc tế công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng tại Hội nghị COP28.

Mục tiêu nhằm xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư để phát triển năng lượng gió, mặt trời, truyền tải, hiệu suất điện, ắcquy lưu trữ, xe điện, đào tạo, tái đào tạo và hỗ trợ việc làm và các biện pháp khác để đẩy mạnh sự hỗ trợ và vượt qua những rào cản đầu tư nhằm đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.

Đồng thời, đàm phán việc tạm dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực thích hợp và đàm phán đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả mà chưa có các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Về kế hoạch tài chính cụ thể, các đối tác quốc tế cam kết hỗ trợ nguồn tài chính công, thông qua hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ vốn, nguồn tài chính ưu đãi sẽ có lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và các khoản vay, bảo lãnh, góp vốn chủ sở hữu căn cứ theo định giá dựa trên rủi ro.

Phát triển trường tín chỉ carbon

Thị trường carbon là cơ chế để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon tồn tại theo hai hình thức, thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc.

Đối với thị trường carbon tự nguyện phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp, trên thực tế từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp tín chỉ ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).

Đối với thị trường carbon tuân thủ phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan đang triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện pháp lý, quy định kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thí điểm thị trường từ năm 2025 và tiến tới vận hành chính thức.

Các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon hay kết quả giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính ra nước ngoài từ năm 2021 trở đi có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia cam kết với cộng đồng quốc tế theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt là các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính sử dụng ngân sách Nhà nước hay các biện pháp tăng hấp thụ carbon từ rừng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Nghị định số 06/2022/NÐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng để giúp người dân hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm rác thải khí nhà kính và thị trường carbon, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon.

Cụ thể, một là cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon; giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông; tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường carbon.

Hai là, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường carbon.

Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)