Khủng hoảng khí hậu đang khiến ngày dài hơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/7/2024 | 8:34:49 AM

QLMT - Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến mỗi ngày trở nên dài hơn vì băng ở hai cực tan chảy làm thay đổi hình dạng hành tinh.

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này là minh chứng rõ ràng cho thấy hành động của con người đang biến đổi Trái đất, ngang bằng với các quá trình tự nhiên đã tồn tại hàng tỷ năm.

Sự thay đổi về độ dài của một ngày chỉ tính bằng mili giây nhưng đủ để gây gián đoạn lưu lượng truy cập internet, giao dịch tài chính và định vị GPS, tất cả đều phụ thuộc vào việc theo dõi thời gian chính xác.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm các tảng băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy, từ đó, tái phân phối lượng nước từ các vĩ độ cao vào các đại dương, làm tăng lượng nước ở vùng gần xích đạo. Điều này khiến Trái Đất phình ra, làm chậm tốc độ quay và kéo dài ngày thêm. Tuy sự thay đổi độ dài của một ngày chỉ diễn ra ở quy mô mili giây, nhưng đủ để gây gián đoạn internet, các giao dịch tài chính và hệ thống định vị GPS.

Một số nghiên cứu khác cho thấy, lượng khí thải carbon từ hoạt động của con người đang làm thu nhỏ tầng bình lưu. 

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy băng ở vùng cực tan chảy đang làm xáo trộn thời gian và thay đổi độ dài của mỗi ngày
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy băng ở vùng cực tan chảy đang làm xáo trộn thời gian và thay đổi độ dài của mỗi ngày. Nguồn: Getty Images.

Giáo sư Benedikt Soja tại Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ đưa ra nhận xét, sự tác động của con người lên toàn bộ hệ thống Trái Đất không chỉ là sự gia tăng nhiệt độ mà còn làm thay đổi cơ bản cách Trái Đất di chuyển trong không gian và quay.

Hiện nay, việc đo lường thời gian dựa trên đồng hồ nguyên tử để đạt sự chính xác. Tuy nhiên, độ dài của một ngày, tương đương một vòng quay của Trái Đất, đã thay đổi do thủy triều Mặt Trăng, tác động của khí hậu và một số yếu tố khác, như sự phục hồi chậm của lớp vỏ Trái Đất sau khi các tảng băng hình thành trong kỷ băng hà cuối cùng tan rã.

Ông Soja cũng thông tin thêm, tất cả các trung tâm dữ liệu vận hành internet, thông tin liên lạc và các giao dịch tài chính đều dựa trên thời gian chính xác. Con người cũng cần sự chính xác về thời gian cho việc định vị, đặc biệt là cho vệ tinh và tàu vũ trụ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong thế kỷ 20, độ dài của một ngày tăng thêm từ khoảng 0,3 đến 1,0 mili giây mỗi thế kỷ (ms/cy). Nhưng từ năm 2000 trở đi, do băng tan nhanh hơn, một ngày lại dài thêm tới 1,3 mili giây mỗi thế kỷ. Theo dự báo của các nhà khoa học, sự thay đổi này sẽ duy trì ở mức khoảng 1,0 ms/cy trong vài thập kỷ tới, ngay cả khi lượng khí thải nhà kính được giảm mạnh." Nếu không cắt giảm khí thải, tốc độ chậm lại sẽ tăng lên 2,6 ms/cy vào năm 2100, vượt qua thủy triều mặt trăng để trở thành yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi dài hạn trong chiều dài ngày.

Tiến sĩ Santiago Belda của Đại học Alicante ở Tây Ban Nha đánh giá nghiên cứu này là một bước tiến lớn, vì nó xác nhận rằng tình trạng mất băng đáng lo ngại mà Greenland và Nam Cực đang phải gánh chịu có tác động trực tiếp đến độ dài ngày, khiến ngày của chúng ta dài ra. Sự thay đổi về độ dài ngày này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cách chúng ta đo thời gian mà còn đối với GPS và các công nghệ khác chi phối cuộc sống hiện đại của chúng ta.

THIÊN BẢO (T/h)