Tro, xỉ đạt chuẩn tràn bãi chứa! (Bài 1)

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/7/2024 | 3:05:42 PM

Hiện nay, tại Trà Vinh có hơn 3,8 triệu tấn tro, xỉ được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu san lấp không có ai mua. Tro, xỉ ngày một nhiều thêm, không nơi để chứa. Trong khi đó, vật liệu san lấp không đáp ứng đủ công trình.


Bãi xỉ tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh quá tải.
Niềm vui chưa trọn

Trả lời với báo chí về nguồn tro, xỉ, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, trước đây tro, xỉ nhiệt điện là nỗi lo của Trà Vinh khi chưa có khung quy định sử dụng. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định tro, xỉ được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, được quản lý như sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng đã mở ra hướng tiêu thụ tro, xỉ cho Trà Vinh.

"Địa phương hỗ trợ doanh nghiệp hết sức để thúc đẩy tiêu thụ tro, xỉ, cũng như tăng cường sử dụng tro, xỉ vào các công trình xây dựng, san lấp. Bởi hiện nay nguồn cát trên địa bàn đang rất khan hiếm, trong khi nhu cầu thì không ngừng gia tăng”, ông Hẳn nói.

Theo ông Lê Hải Đăng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 1, trong những năm qua, Tổng Công ty Phát điện 1 và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) luôn giám sát chặt chẽ chất lượng tro, xỉ, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Hàng năm, sản phẩm tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng thực hiện đánh giá, lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận, bao gồm: Hợp chuẩn tro, xỉ đạt theo TCVN 12249:2018 – tro, xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp; Hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng theo QCVN 16:2017/BXD của Bộ Xây dựng…

Công ty Nhiệt điện Duyên Hải luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác trong khâu tiếp nhận và vận chuyển tro, xỉ bằng nhiều hình thức vận chuyển khác nhau từ đường bộ đến đường biển. Công ty đã xây dựng kế hoạch sắp xếp xe bồn vào tiếp nhận tro bay tại khu vực silo tro bay theo từng trường hợp cụ thể, tuân thủ thứ tự được phân bổ cho từng đối tác theo từng khung giờ hợp lý. Những giải pháp này bước đầu đã ghi nhận hiệu quả nhất định trong công tác sắp xếp, điều phối hợp lý giữa các đối tác, tăng tính chủ động và rút ngắn thời gian tiếp nhận.

Nhờ vậy, tình hình tiêu thụ tro, xỉ trong những năm qua tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được duy trì ở tỉ lệ cao trên 90%. Theo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, đến hết ngày 31/5/2024, lượng xỉ đáy lò tiêu thụ từ 3 nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 mở rộng là hơn 28.220 tấn; tương tự tro bay tiêu thụ hơn 445.220 tấn.

Những tháng gần đây, tình hình tiêu thụ tro, xỉ phát sinh tại silo của các nhà máy có xu hướng giảm dần. Năm 2022 - 2023, tro, xỉ của các nhà máy thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tiêu thụ đạt khoảng 90 - 95% thì 4 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 80%. Trong đó, hầu hết tro, xỉ tiêu thụ qua đường silo bơm cho xe bồn, sà lan để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bê tông. Đó cũng là lý do khi thị trường xây dựng trầm lắng, tiêu thụ xi măng, bê tông giảm cũng khiến tiêu thụ tro, xỉ trì trệ theo. Đặc biệt, việc tiêu thụ 3,8 triệu tấn tro, xỉ chứa ngoài bãi xỉ lại càng khó khi chỉ có thể dùng cho san lấp, làm gạch không nung, dù được lấy mẫu, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy dùng cho san lấp hằng năm.

Lãng phí rất lớn

Nhận định tro, xỉ tại Trà Vinh tràn ra bãi, một chuyên gia môi trường khẳng định: "Khi nguồn cát ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm, tro, xỉ không được sử dụng thay cát là lãng phí. Hiện Trà Vinh lại đang có đến hàng triệu tấn tro, xỉ có thể thay thế cát trong san lấp mặt bằng công trình, các công trình giao thông… nhưng lại không được xem xét là nghịch lý”. Trung bình mỗi ngày, lượng tro, xỉ phát thải Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải khoảng 2.000 - 5.000 tấn (tùy theo huy động công suất các tổ máy) thì các nhà máy còn có bãi xỉ chứa khoảng 3,8 triệu tấn tro, xỉ cần phải tiêu thụ nhưng tìm đối tác không phải dễ dàng.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo việc xử lý, sử dụng tro, xỉ. Cụ thể như Quyết định 452/2017/QĐ-CP phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Thực tế, tro, xỉ và đất đá thải mỏ dùng để san lấp đường cao tốc rất tốt, bên cạnh đó giúp khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh như Chính phủ đã định hướng.


Khách hàng tham quan bãi xỉ.

Trong khi đó, việc khai thác cát sử dụng xây dựng lại quá phổ biến, việc khai thác không bền vững, chủ yếu bằng phương pháp bơm, hút… là nguyên nhân chính gây xói lở các bờ sông, gây sụt lún trên diện rộng. Đó là chưa tính tình trạng tận khai thác, khai thác cát trái phép, khai thác lậu… khiến địa chất vùng bị tổn thương, ảnh hưởng lớn đến môi trường, an toàn xã hội và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có cam kết rất mạnh mẽ với thế giới tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), rằng Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng vào trong công trình xây dựng cũng là một lĩnh vực trong chiến lược tiến đến phát thải ròng đó. Chuyên môn phải do các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… đảm trách.

Tuy nhiên, ngoài việc sớm hoàn thiện các hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhiều chuyên gia đề xuất cần có chế tài nếu các địa phương không coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong nỗ lực phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến hàng trăm triệu khối cát. Nếu các dự án hạ tầng cứ hồn nhiên sử dụng cát khai thác thiên nhiên, không có chính sách khuyến khích sử dụng nguồn tro xỉ này ngay từ đầu, sẽ rất hoang phí và thiệt hại lớn cho môi trường, nền kinh tế!?

Theo Đào Văn/ Báo Xây dựng