Năng lực quản lý, quản trị môi trường các Khu công nghiệp còn yếu

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2020 | 9:50:10 AM

QLMT - Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp thuộc các vùng trọng điểm trong nước là một bước tiến đáng mừng khẳng định tốc độ công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước. Các khu công nghiệp tạo nên một sản phẩm công nghiệp lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Tuy nhiên mặt trái của nó là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nếu như không có một hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.

Không giống như nước thải sinh hoạt từ công ty, cơ quan hay bệnh viện, trường học, mức độ ô nhiễm của nước thải nhà máy, khu công nghiệp không giống nhau ở các khu công nghiệp sản xuất những sản phẩm khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm mà người ta phân loại các chất thải thành các nhóm riêng biệt để dễ áp dụng một phương pháp xử lý nước thải khu công nghiệp phù hợp. Để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và phát huy hiệu quả trong công việc xử lý nước thải từ các khu khác nhau trong một tổng thể khu công nghiệp, cần phải lắp đặt hệ thống xử lý sơ bộ trước khi thải ra nguồn nước chung và qua xử lý tổng hợp.

Nước thải của khu công nghiệp gồm 02 nguồn chính là nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất, trong đó:

Nước thải sản xuất: Trong các khu công nghiệp sản xuất có các nhà máy sản xuất như: sản xuất hàng may mặc, thực phẩm, điện – điện tử, in ấn bao bì, da giày, sản xuất nhựa, cao su, thực phẩm, sơn nước,… Tất cả các loại chất thải này đều là loại khó phân hủy, được xếp vào loại nước thải nguy hại như: dầu khoáng, kim loại nặng,… Ngoài các loại chất thải trên thì còn có các loại nước thải, chất thải của các nhà máy từ quá trình thu gom, tẩy rửa, vệ sinh nguyên liệu, vệ sinh thiết bị – máy móc,…


Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Nước thải sinh hoạt: Nước thải sinh ra từ hoạt động sinh hoạt của con người, như các hoạt động: rửa chén bát, tắm gội, giặt giũ, rửa xe, rửa thực phẩm,… Trong loại nước thải sinh hoạt này có chứa nhiều chất hữu cơ, chất cặn bẩn, chất lơ lửng, chất dinh dưỡng và vi khuẩn. Một số nước thải sinh hoạt có nguồn gốc từ nước mưa chảy vào.


Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Theo Tổng Cục môi trường, hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp hiện nay có chuyển biến tích cực. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nguồn lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình nước thải công nghiệp, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam, hết quý II năm 2020, trên toàn quốc có 274 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 244 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. Các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Có 191/244 khu công nghiệp có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%. Có 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải, 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 15,8%, 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh Nguyễn Tân Thuấn, Lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương tỉnh Tây Ninh rất quan tâm công tác BVMT trên địa bàn. Ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác này, nhất là tại các K,CCN. Các doanh nghiệp hoạt động ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn, môi trường tại những nơi này những năm gần đây được cải thiện đáng kể.Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi lơ là trong công tác quản lý.

"Để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực môi trường tại các K,CCN, Sở TN&MT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động xả thải và xử lý nghiêm các đơn vị nếu phát hiện vi phạm. Tập trung kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, tăng cường quản lý rác thải công nghiệp, nguy hại, sinh hoạt; giải quyết ô nhiễm tại K,CCN và các điểm nóng khác. Kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.Sở có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị hoạt động về công tác BVMT. Bên cạnh đó, Sở TNMT thường xuyên phối hợp địa phương, chủ đầu tư hạ tầng K,CCN tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật về BVMT. Đồng thời, Sở tham mưu các giải pháp phù hợp để cải thiện môi trường trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh” ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có trạm quan trắc tự động nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Giám đốc Sở KHCN -MT Hà Nội,, nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất nhưng một số chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn gây nên rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Năng lực quản lý môi trường ở cấp độ quản lý nhà nước và quản trị môi trường của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề và doanh nghiệp. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Trong năm 2020, Tổng cục Môi trường ,Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ít nhất 90%; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn có lưu lượng từ 1.000m3/ngày đêm lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khi thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật phục vụ việc theo dõi, giám sát nguồn thải. Vấn đề cần ưu tiên là việc xác định các nguồn thải trọng điểm để kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý phù hợp.

Tuy nhiêu, Bộ TNMT  cũng cần phải thực hiện phân vùng môi trường và có cơ chế sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, xây dựng cơ chế quản lý môi trường theo các giai đoạn của vòng đời dự án. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý về môi trường của nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ TNMT cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng hội nhập và đảm bảo chất lượng môi trường ngày càng cao, xây dựng các quy định về quản lý chất thải rắn, nước thải theo hướng phù hợp với tình hình phát sinh và bối cảnh kinh tế - xã hội và thực hiện điều chỉnh đối tượng ưu đãi, hỗ trợ phù hợp hơn theo hướng bổ sung thêm đối tượng được hưởng các ưu đãi khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp không tập trung tại các KCN.

KHẮC VIỆT