Trữ lượng các-bon của rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2023 | 3:35:01 PM

QLMT - Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới với trữ lượng các-bon khoảng 245 tấn/ha.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á.
Rừng ngập mặn Cần Giờ được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: ITN

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. 

Một số khu rừng ngập mặn lớn của Việt Nam như rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), rừng ngập mặn Rú Chá (tỉnh Thừa Thiên - Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh ở Tam Giang (tỉnh Quảng Nam, rừng ngập mặn ở Cà Mau… Nổi bật trong số đó là rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha, được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á. 

Qua thí điểm tính toán lượng các-bon rừng ngập mặn tại 6 tỉnh thuộc các vùng sinh thái khác nhau, kết quả cho thấy, trữ lượng các-bon của rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha. Điển hình, tổng trữ lượng các-bon tích lũy trong rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ninh khoảng trên 3 triệu tấn, TP. HCM 15,7 triệu tấn, Cà Mau 12,7 triệu tấn.

Trung bình lượng các-bon trong sinh khối của thực vật sống, gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất chỉ chiếm 29%. Còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn, độ sâu khoảng 30cm.

Thời gian gần đây, số lượng các nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội mua tín chỉ các-bon rừng ngập mặn ngày càng tăng bởi rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ các-bon cao hơn từ 4 - 10 lần so với rừng trên cạn tùy vào các khu vực khác nhau.

Rừng ngập mặn mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng đây lại là loại rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân, đóng góp vào tăng trưởng xanh.

LÂM HÀ (T/h)