Hội nghị Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) lần thứ 25

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2023 | 9:47:39 AM

QLMT - Ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị liên Chính phủ của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) lần thứ 25.

Hội nghị do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) phối hợp cùng Mạng lưới EANET tổ chức.


Toàn cảnh hội nghị 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí và lắng đọng axit đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà hầu hết các nước trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới.

Lắng đọng axit làm suy thoái môi trường sống tự nhiên, suy thoái môi trường đất, nước và các hệ sinh thái, gây ra hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp, thuỷ sản, các công trình xây dựng và đáng chú ý nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Việc kiểm soát lắng đọng axit đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi các nghiên cứu mang tính liên ngành và sự hợp tác giữa các quốc gia có chung đường biên giới.

Bộ TN&MT đã và đang tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm không khí. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.

Việt Nam đã thực hiện xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn và môi trường, trong đó có quan trắc lắng đọng axit, trên phạm vi cả nước, hỗ trợ tăng cường việc giám sát khí hậu và chất lượng không khí, chủ động kiểm soát nguồn phát thải chính và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố kịp thời.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, tham gia Mạng lưới EANET từ những năm đầu tiên và luôn là một thành viên tích cực, trong suốt 20 năm qua, các kết quả thu được từ mạng lưới quan trắc lắng đọng axit chất lượng cao ở các vùng trên cả nước đã đóng góp đáng kể vào các Báo cáo đánh giá về hiện trạng và xu hướng lắng đọng axit nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong khu vực Đông Á.

Theo TS. Shiro Hatakeyama - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí Châu Á – Nhật Bản, Dự án được EANET chú trọng đến độ chính xác của dữ liệu, đang thu hút lượng lớn nhân lực tham gia và sẽ sớm hoàn thiện thời gian sắp tới, vì vậy cần rất nhiều nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ từ các nước thành viên, các bên liên quan để thực hiện các dự án vì môi trường.

Bà Marlene Nilsson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UNEP) cho rằng, cuộc khủng hoảng môi trường vượt ra ngoài biên giới quốc gia đang là một vấn đề cần được giải quyết cấp bách. Cuộc họp liên chính phủ năm nay nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu của hợp tác khu vực trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững, chia sẻ kiến ​​thức và xây dựng năng lực cần thiết để bảo vệ môi trường chung. EANET không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát mà còn tham gia vào nghiên cứu, xây dựng năng lực và hỗ trợ chính sách, thiết lập tiêu chuẩn mới cho cơ chế khu vực.

LÂM HÀ (T/h)