Chuyên gia đề xuất các giải pháp hạ tầng 'xanh' để phát triển đô thị bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/11/2023 | 4:31:03 PM

Mật độ cây xanh của các đô thị Việt Nam chỉ từ 2 – 3m2/người, trong khi đó chỉ tiêu quốc gia là 7m2/người và chỉ tiêu tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người...

Đô thị phát triển nhanh chóng theo chiều hướng đang ngày một "xám hoá” bởi bê tông. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị bền vững. Trong đó, công viên cây xanh, không gian công cộng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối hơn bao giờ hết đối với các đô thị, đặc biệt là những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM khi quỹ đất không còn nhiều.

Chính vì vậy, giải pháp nào để quy hoạch và phát triển đô thị bền vững đã nhận được sự quan tâm, luận bàn của các chuyên gia tại Hội thảo "Hạ tầng xanh và công viên xanh hướng tới phát triển đô thị bền vững” diễn ra sáng ngày 10.11 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phối hợp cùng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam và Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức.


Quang cảnh Hội thảo "Hạ tầng xanh và công viên xanh hướng tới phát triển đô thị bền vững”.

Mật độ đô thị thiếu "xanh”

Đó là nhận định của KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, nêu ra tại Hội thảo. Ông dẫn chứng, nếu như trước đây Hà Nội được quốc tế đánh giá là thành phố của cây xanh mặt nước thì hiện nay do sự phát triển nhanh chóng của đô thị khiến mật độ này rất thấp. Trong khi đó, công viên cây xanh dù được đề cập trong quy hoạch đối với các khu đô thị mới, tuy nhiên theo KTS. Trần Ngọc Chính thì mật độ này vẫn thấp và thậm chí quy hoạch bị "phá vỡ” để nhường chỗ cho bất động sản. Dẫn chứng cho nhận định trên, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam lấy ví dụ về khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (Hà Nội). Theo ông Chính khi mật độ cây xanh được lấp đầy bằng mật độ dân số điều này làm mất đi giá trị của khu đô thị.

Cụ thể cho việc "phá vỡ quy hoạch” của khu đô thị kiểu mẫu này khi chủ đầu tư cho xây dựng 12 toà nhà cao tầng trên diện tích 3ha với mật độ xây dựng trên 50% (theo quy hoạch chung ban đầu nhà ở chiếm 23%, và 60% là diện tích khu sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa). Đây cũng chính là nội dung đã được các cơ quan truyền thông phản ánh lại sau cuộc kiểm tra Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao ngày 17.2.2017 của Tổ công tác của Thủ tướng.

Hay trường hợp Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, có mật độ xây dựng 34,88% với có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 - 7,5 tầng. Cho đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng ở đây tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao từ 17 - 34 tầng(1).

Dù còn thiếu về mảng xanh, nhưng với những công viên hiện hữu, một số đã thực hiện tốt vai trò của mình, nhưng bên cạnh đó cũng có công viên chưa phát huy giá trị. Nếu như các công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng... ở TP.HCM đang phát huy hiệu quả thì công viên Hoà Bình (Hà Nội) với diện tích rộng lớn có hồ điều hoà đẹp trên 5ha lại thiếu vắng các tầng lớp dân cư đô thị tới thụ hưởng. "Công viên là nơi tái tạo sức lao động, nơi kết nối quan trọng đối với đời sống người dân đô thị, vậy cần có giải pháp cụ thể đối với công viên trước điều kiện phát triển xã hội và điều kiện biến đổi khí hậu để đô thị phát triển bền vững”, KTS. Trần Ngọc Chính nhận định.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phát biểu tại Hội thảo.
PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phát biểu tại Hội thảo.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cũng nêu bật mục tiêu của Hội thảo khi ông cho rằng cần nhìn nhận công viên không chỉ với thuật ngữ cây xanh theo nghĩa đen bình thường. Khái niệm xanh nên hiểu đồng bộ với khái niệm hạ tầng xanh. Để có hạ tầng xanh, từng thành phần hạ tầng của đô thị cần được "xanh hoá”.

Chia sẻ này được các chuyên gia quan tâm bởi đặt trong bối cảnh trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Tính đến tháng 6.2023, hệ thống đô thị của Việt Nam có 898 đô thị (gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình mỗi năm 1%).

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Theo kết quả một cuộc khải sát đã công bố, cho thấy mật độ cây xanh của các đô thị Việt Nam chỉ từ 2 – 3m2/người, trong khi đó chỉ tiêu quốc gia là 7m2/người và chỉ tiêu tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người. Chưa kể mật độ cây xanh công cộng đối với loại hình đô thị đặc biệt theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế là 15m2/người. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tỷ lệ cây xanh thấp do thiếu quy hoạch, chưa quan tâm đúng mức tới sự phát triển của không gian xanh(2).


Mật độ cây xanh của các đô thị Việt Nam chỉ từ 2 – 3m2/người, trong khi đó chỉ tiêu quốc gia là 7m2/người và chỉ tiêu tối thiểu của Liên Hợp Quốc là 10m2/người. Ảnh: Alex Thiện

Hạ tầng 'xanh' để phát triển đô thị bền vững

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã phân tích về thực trạng phát triển của đô thị Việt Nam qua những mặt tiêu cực như: lãng phí đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng phát triển dân số. Đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, tình trạng bê tông hoá làm tăng nhiệt độ tại các khu đô thị dẫn đến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị... Trước thực trạng đó, việc phát triển cây xanh, công viên đô thị nói riêng và quy hoạch xây dựng hạ tầng xanh nói chung được các chuyên gia đề xuất, góp ý.

TS. Nguyễn Thị Thuý Hằng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng môi trường là một trong các trụ cột để phát triển đô thị bền vững nhưng yếu tố này đang đe doạ khả năng phát triển bền vững của đô thị Việt Nam. Chia sẻ tại Hội thảo, một trong những gợi ý giải pháp về mặt hoạch định chính sách hạ tầng xanh được bà Hằng nhấn mạnh là cần hiểu ngay từ đầu hạ tầng xanh được định vị như thế nào trong khuôn khổ tăng cường kết cấu hạ tầng đô thị.

Theo bà Hằng hạ tầng xanh cần được đưa vào quy hoạch quốc gia phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn; cần thiết xây dựng chiến lược hạ tầng xanh đô thị xuyên suốt các lĩnh vực chính sách khác, tăng cường lồng ghép với các chính sách phi môi trường khác, tránh bị cô lập trong chính sách về "môi trường tự nhiên”.

TS. Nguyễn Thị Thuý Hằng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), chia sẻ tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Thị Thuý Hằng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), chia sẻ tại Hội thảo.

Được đánh giá là mới và tính khả thi cao, cách tiếp cận đô thị xanh từ đô thị nông nghiệp của Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng Trần Trung Chính đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia tại Hội thảo. Nội dung gây chú ý từ ngay cách đặt vấn đề đơn giản nhưng thực tế, rằng: "Con người ngày càng khó sống hơn trong các không gian các thành phố khổng lồ mà chính nó rất nỗ lực tạo ra”.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng nhận định con người với máy móc công nghiệp gia tăng tốc độ khai thác các tài nguyên (đặc biệt là đất đai) xây dựng các hệ thống đô thị bê tông cao tầng chồng chất người, ngày càng tự cô lập cuộc sống của nó với thiên nhiên. Để thoát khỏi thảm trạng này, con người cần quay về thiên nhiên mà nông nghiệp – nông thôn là một con đường lớn. Theo ông thì đô thị nông nghiệp hiểu đơn giản giống như một loại đô thị đặc thù (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị đại học…), đô thị nông nghiệp lấy nông nghiệp làm nền kinh tế chính, có trung tâm các dịch vụ khoa học nông nghiệp như viện nghiên cứu giống cây, trường đại học, các cơ sở chế tạo máy móc nông nghiệp, chế biến, đóng gói nông sản, hệ thống giao thông vận tải tốt… Nước ta chưa có đô thị loại này và Đồng Tháp hay Thái Bình là những lựa chọn.

Cũng theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nếu như thành phố Sheffielf (Anh) một người cần ít nhất 50m2 diện tích đất nông nghiệp để nuôi sống họ, dân Paris (Pháp) cần 11.000ha đất trồng để tự túc được rau ăn. Vậy, hoạt động nông nghiệp diễn ra bên trong hay kề cận đô thị sẽ làm giảm các chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tăng khả năng tiếp cận các thực phẩm tươi ngon, tốt cho sức khoẻ, cung cấp các cơ hội cho cư dân đô thị tìm hiểu về dinh dưỡng, cách trồng trọt, cung cấp cơ hội cho cư dân đô thị tìm hiểu về dinh dưỡng cách trồng trọt, kết nối họ với người trồng trọt, thậm chí tham dự vào quá trình canh tác. Do đó, theo ông Trần Trung Chính thì nông nghiệp phải thuộc về đô thị và ngược lại – tức coi nông nghiệp là yếu tốt then chốt hình thành đô thị. Không chỉ thúc đẩy hoạt động nông nghiệp trong đô thị hay xây dựng một đô thị kinh tế nông nghiệp cụ thể, đô thị nông nghiệp tham vọng toàn diện hơn với vai trò bao trùm ba nội dung: kinh tế, sinh thái và không gian của thành phố.

Vườn nho trên sân thượng rộng 35m2 của một gia đình ở thành phố Lai Châu cho sản lượng ước đạt 2 tạ
Vườn nho trên sân thượng rộng 35m2 của một gia đình ở thành phố Lai Châu cho sản lượng ước đạt 2 tạ. Ảnh tư liệu: Vietnamnet

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước tại khu vực Đông Á sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Nguy cơ ngập vì nước biển dâng sẽ có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố như nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún, thuỷ triều, nước dâng do bão và sẽ tác động lớn đến các đô thị Việt Nam. Dưới tác động của tình trạng ngập lụt sẽ ngày càng gia tăng, cùng với quá trình bê tông hoá nhanh bởi tốc độ đô thị hoá, PGS-TS. Tạ Quỳnh Hoa (Khoa Kiến trúc quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất mô hình thành phố bọt biển và công viên xanh trữ nước.

Theo chia sẻ của PGS-TS. Tạ Quỳnh Hoa, ý tưởng về thành phố bọt biển là thay vì sử dụng bê tông để dẫn nước mưa, con người sẽ sử dụng thiên nhiên để hấp thụ, làm sạch và tái sử dụng nước. Lợi ích của mô hình này là giảm thiểu áp lực cho hệ thống thoát nước nhờ thẩm thấu nước mưa tự nhiên; giảm ô nhiễm không khí; nâng cao chất lượng cuộc sống từ cây xanh và bóng mát; làm giảm nhiệt độ đô thị do hiệu ứng bốc hơi; giảm thiểu các chất gây ô nhiễm nhờ thẩm thấu qua bề mặt đất…

Trong khi đó, vườn cộng đồng với sự tham gia của chính cộng đồng cư dân đô thị thông qua việc tận dụng khuôn viên trong khu đô thị, đặc biệt là khu ở đã ổn định, là một trong các giải pháp được ThS-KTS. Nguyễn Hồng Diệp, Phó Khoa học công nghệ (Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam), chia sẻ tại Hội thảo. Vườn cộng đồng đó là vườn cây ăn quả, vườn trong các khuôn viên sống của cư dân đô thị và các khu vườn này được kết nối với hệ thống cây xanh đường phố. Với khu vườn này có thể sử dụng những hố cây di động do chính cộng đồng dân cư tạo nên.

ThS-KTS. Nguyễn Hồng Diệp cũng chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch khi thiết kế cây xanh theo hệ thống trục tuyến phố áp dụng cây xanh đa chiều (cây xanh đường phố, cây xanh vườn mưa, cây xanh thẳng đứng bám tường, cây xanh ban công và cây xanh trên mái). Hệ thống này được thiết kế tuần hoàn, đặc biệt áp dụng đối với các đô thị đã phát triển, thiếu quỹ đất.

Qua giải pháp này có thể quy đổi bù phần diện tích cây xanh đối với những đô thị trung tâm hoặc những đô thị đã phát triển không còn quỹ đất dành cho cây xanh. Chuyên gia của Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm về lợi ích của công viên cây xanh, hạ tầng xanh khi không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện môi trường không khí và nước; bảo vệ đa dạng sinh học; mang lại lợi ích sức khoẻ cộng đồng, tính thẩm mỹ mà còn mang lại lợi ích ở góc độ giá trị bất động sản.

* Mật độ đô thị (urban density) bao gồm ba thành phần: (1) Mật độ cư trú (residential density) là số đơn vị ở trên một diện tích (thường là héc ta); (2) Mật độ sử dụng (occupancy density - tính theo tỷ lệ diện tích sàn) liên quan trực tiếp đến thu nhập, chi phí của không gian sàn và nhu cầu về không gian trên quy mô gia đình, tức là số người trong mỗi đơn vị nhà ở; (3) Mật độ dân số (population density - tính bằng người/héc ta) là hệ quả từ mật độ cư trú và mật độ sử dụng - số người trên mỗi héc ta.

(1) https://kinhtedothi.vn/dieu-chinh-quy-hoach-do-thi-loi-ich-cua-nguoi-dan-la-trong-tam.html.;

(2) https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/78468/can-phat-trien-cong-vien--cay-xanh-do-thi-dap-ung-nhu-cau-xa-hoi.aspx

Theo Lệ Quyên/Người Đô thị