Đề xuất giải pháp xây dựng kiến trúc nông thôn Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/10/2023 | 10:22:58 AM

Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn của thành phố đà bản sắc văn hóa dân tộc.



UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 20/10, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa, giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Kế hoạch nhằm phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND Thành phố; bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Kế hoạch cũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý về văn hóa kết hợp với quản lý về xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn thành phố Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Để đạt được các mục đích, yêu cầu trên, Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: UBND các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý. Xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực. Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.

Đảm bảo công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn phù hợp với đặc thù của các địa phương. Đẩy mạnh công tác lập, rà soát quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.

Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.

Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn.

Chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc TP Hà Nội gắn với bản sắc văn hóa từng địa phương. Nâng cao năng lực trong hoạt động thiết kế sáng tạo, quy hoạch cho từng địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức vai trò cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống. Bảo tồn, khôi phục và phát triển kiến trúc truyền thống.

Những nhóm nhiệm vụ trên nhằm bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử, định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn của Hà Nội, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Hoàn thiện các thể chế để từng bước xây dựng kiến trúc nông thôn TP Hà Nội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Tạp chí Xây dựng