Nắng nóng đe doạ cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2023 | 10:02:33 AM

QLMT - Cũng như nhiều nơi trên thế giới, người nông dân ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã phải trải qua ba tháng hè nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ ban ngày thường xuyên vượt quá 40 độ C.

Nắng nóng và hạn hán đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của họ. Hãng thông tấn AFP làm phóng sự về những người nông dân ở miền Bắc, miền Trung Việt Nam phải chuyển sang cấy lúa ban đêm. Khi nhiệt độ ban ngày thường xuyên vượt quá 40 độ C, những người nông dân từ ngoại thành Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... ra đồng từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm, hoặc từ 3 giờ đêm đến 8 giờ sáng.


Người nông dân tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) tranh thủ cấy lúa vào buổi tối tránh thời tiết nắng gắt. Ảnh: Kim Chi/Báo Hà Nam

Nhiệt độ tăng lên không chỉ gây khó khăn cho người nông dân mà còn có tác động nghiêm trọng đến tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng.

Gần đây, một nghiên cứu đã chứng minh rằng tác động của nhiệt độ đối với đói nghèo lớn hơn chúng ta từng nghĩ. Theo TS. Đặng Hoàng Hải Anh - học giả thỉnh giảng cấp cao trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ đói nghèo tăng 9,1%. Điều này cũng kéo theo việc gia tăng chỉ số bất bình đẳng Gini lên 1,4%. Với ngưỡng nghèo hiện tại là 1,90 USD/ngày, tác động này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và kéo dài, làm suy yếu các nỗ lực giảm nghèo.  Việt Nam chúng ta đã mất một thập kỷ mới giảm được hơn 10% tỉ lệ nghèo.


 Chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ đói nghèo tăng 9,1%. Ảnh: ITN

Những dự đoán về tăng nhiệt độ toàn cầu trong tương lai càng làm tăng lo ngại. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng thế giới có thể nóng lên thêm 1,5 độ C trong vòng ba năm tới và tiếp tục gia tăng thêm 1,5 độ C sau khoảng 25 năm. Nếu như dự báo này thành hiện thực, tỷ lệ đói nghèo có thể tăng thêm 13,6% chỉ trong vài năm, mà chưa tính đến các yếu tố khác.

Để đánh giá dài hơn tác động của nhiệt độ đối với đói nghèo, nghiên cứu này tập trung vào hai kịch bản biến đổi khí hậu với mức nhiệt tăng từ 2,6 đến 6,0 độ C vào năm 2099. Kết quả cho thấy tỷ lệ đói nghèo có thể tăng từ 13,6% lên 31,1%, và chỉ số bất bình đẳng cũng tăng từ 1,2% đến 5,9%.

Nhiệt độ đang trở thành một yếu tố quan trọng cần xem xét trong các chiến lược và chương trình hỗ trợ giảm nghèo cả ở cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia. Nếu không giải quyết tác động của nhiệt độ đúng cách, chúng ta có thể mất đi những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.

ĐAN VY