Kê khai, nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định mới từ 1/8/2023

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2023 | 9:11:06 AM

QLMT - Thông tư số 38/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành từ ngày 8/6/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Theo đó, mức phí thẩm định cao nhất là 96 triệu đồng đối với nhóm dự án công nghiệp có tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng.

Thông tư nêu rõ, mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định, được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư.

Mức thu phí được phân theo 13 mức tổng vốn đầu tư dự án, tương ứng với 6 nhóm dự án cụ thể: Công trình dân dụng; hạ tầng kỹ thuật (trừ dự án giao thông); nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; giao thông; công nghiệp; xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các dự án khác không thuộc các nhóm trên.
 
Biểu mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Biểu mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Đối với các dự án thuộc từ 2 nhóm trở lên thì áp dụng mức phí của nhóm có mức thu cao nhất.

Thông tư nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan Nhà nước thuộc 3 Bộ được giao thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là tổ chức thu phí.

Các chủ dự án thực hiện nộp phí cho tổ chức thu phí trong thời gian từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định đến trước khi tổ chức họp Hội đồng thẩm định, phí nộp theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Về quản lý và sử dụng phí, tổ chức thu phí nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương). Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 65% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí; nộp 35% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư số 38/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023, bãi bỏ Thông tư số 56/2018/TT-BTC ngày 25/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định; bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 91/2021/TT-BTC ngày 21/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 191/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và Thông tư số 56/2018/TT-BTC ngày 25/6/2018 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.

TRẦN HÀ