Đồng Tháp: Mô hình "Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái"

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/5/2023 | 2:34:26 PM

QLMT - Thông qua hoạt động giáo dục STEM, em Đặng Nguyễn Khánh Bình, học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Bình Thạnh 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp) vừa nghiên cứu sáng tạo thiết kế thành công mô hình “Xe thư viện thân thiện lưu động không người lái”.

Với khả năng tư duy sáng tạo, sáng chế các thiết bị, dụng cụ, phương tiện và các kiến thức khoa học, kĩ thuật, trải nghiệm qua các tiết dạy, giáo dục STEM của thầy cô; em Đặng Nguyễn Khánh Bình học sinh lớp 4B của Trường Tiểu học Bình Thạnh 1, thành phố Hồng Ngự đã nghiên cứu sáng tạo thiết kế thành công Mô hình "Xe Thư viện thân thiện lưu động không người lái” để đưa vào hoạt động dưới sân trường trong năm học 2022 - 2023 nhằm giúp các bạn được mượn sách thuận lợi và hiệu quả.



Mô hình "Xe Thư viện thân thiện lưu động không người lái” được làm từ chiếc xe ô tô điện của trẻ em bị hỏng, chọn lọc những phần còn sử dụng được, phối hợp với một số vật liệu có sẵn trong nhà, trong lớp, trong trường… để làm thành "Xe Thư viện thân thiện lưu động không người lái”.

Xe bao gồm hệ thống điều khiển từ xa để điều khiển xe di chuyển lui tới, ở sân trường và kể cả hành lang trước lớp học. Hình dáng được trang trí nhiều màu sắc, nhiều ngăn, nhiều tủ, trưng bày các loại sách theo mã màu để các bạn dễ dàng tìm đọc như thư viện thân thiện; xe có hệ thống loa để phát những âm thanh truyên truyền về sách.

Hệ thống loa còn phát được những bài giới thiệu sách của nhân viên phụ trách thư viện. Những lời giới thiệu giúp học sinh như đang bước vào một thế giới kì diệu của những câu truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thần thoại như Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú lùn, Thú dữ rừng xanh,... Các quyển sách, quyển truyện được bày trí đẹp mắt, thu hút học sinh tham gia mượn đọc.



Đây được xem là một góc thư viện lưu động chuyển tải nhiều quyển sách hay từ thư viện của trường, từ nguồn sách sưu tầm của học sinh, của lớp, trường; có sự chọn lọc. Qua đó góp phần đa dạng hóa các hình thức khuyến đọc trong nhà trường, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Theo Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD-ĐT Đồng Tháp), bước đầu triển khai thí điểm giáo dục STEM, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã gặt hái nhiều tín hiệu tích cực từ giáo viên lẫn học sinh.

Các đơn vị đã chủ động xây dựng chủ đề STEM, bài học, hoạt động trải nghiệm STEM, đổi mới giảng dạy các môn học liên quan đến STEM, phương thức tích hợp nội môn hoặc liên môn.

Thanh Hạ