Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển: Triển khai nhiều hoạt động "Ngoại giao khí hậu"

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/3/2023 | 4:20:30 PM

QLMT - Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bao gồm cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu với hơn 100 nước thành viên; Tuyên bố chuyển đổi điện than sang điện sạch với 46 nước tham gia; Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất với 141 nước tham gia. Những cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhiều đối tác quốc tế quan trọng đã khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành của Việt Nam thực hiện các cam kết này. 


Đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị. 

Nhiều bộ, ngành với trách nhiệm thực hiện cam kết nói trên trong đó  có ngành ngoại giao. Ngày 21/2/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan triển khai công tác Ngoại giao khí hậu nhằm hỗ trợ các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt phát thải ròng bằng 0, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế và diễn đàn đa phương.


Quang cảnh hội nghị 

Từ ngày 01 đến ngày 03/6/2022, tại Stockholm, Thuỵ Điển diễn ra hai Hội nghị quan trọng về môi trường như : 

Thứ nhất, Phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu huỷ chúng, Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Rotterdam về thủ tục thoả thuận có thông báo trước đối với một số hoá chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong thương mại quốc tế và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ năm 2022 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào ngày 01/06/ 2022. 

Thứ hai, Hội nghị Stockholm + 50: một hành tinh khoẻ mạnh vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người- trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 02 đến ngày 03/06/2022 nhằm kỷ niệm 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hiệp quốc về Môi trường và Con người được tổ chức tại Stockholm, Thuỵ Điển năm 1972. 

Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel và Công ước Stockholm, Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã thành lập Đoàn công tác tham dự Hội nghị Hội nghị Stockholm + 50. Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã có nhiều hoạt động cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất để đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đoàn công tác đã gặt hái được nhiều thành công và góp phần thúc đẩy vai trò, vị thế của Việt Nam trên diễn đàn đa phương cũng như trong lĩnh vực môi trường. 

Là cơ quan đại diện Việt Nam ở Thuỵ Điển, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển coi Ngoại giao khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đến huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt cam kết của Việt Nam tại COP26 (phát thải ròng 0), nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế, diễn đàn đa phương. 

Từ năm 2022 đến nay, Đại sứ quán  đang triển khai các hoạt động Ngoại giao khí hậu như: tiếp cận, thúc đẩy quan hệ với Chính phủ Thuỵ Điển, các tổ chức quốc tế tại Thuỵ Điển để vận động các nguồn viện trợ không hoàn lại, các nguồn hỗ trợ tài chính, công nghệ xanh, các chương trình hợp tác song phương và đa phương; kết hợp cùng  các đại sứ quán khác trong khuôn khổ hoạt động của Uỷ ban ASEAN tại Stockholm (ACS), Đại sứ quán tổ chức các đoàn đến tham quan, học tập mô hình thành phố thông minh tại Stockholm, mô hình nhà máy tái chế rác ReTuna tại Eskiltuna cũng như trao đổi làm việc với Hội đồng thành phố Eskiltuna trong công tác bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy). 

Đại sứ quán còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu Thuỵ Điển hợp tác cùng với viện nghiên cứu, đại học Việt Nam trong triển khai nghiên cứu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, ngoại giao khí hậu cũng như dự kiến cùng Viện SIPRI (Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm) và Học viện Ngoại giao kết nối giữa các bộ, ban ,ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên môi trường) và chính phủ Thuỵ Điển tổ chức hội thảo quốc tế liên quan đến ngoại giao khí hậu, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương nhằm giúp cả hai bên đạt được cam kết mong muốn tại COP26.

Huyền Trang