WasteShark – robot thu gom rác thải trên mặt nước

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/3/2023 | 4:52:34 PM

QLMT - WasteShark – một con robot “ăn” nhựa đang được triển khai tại London nhằm giảm ô nhiễm nước trong khu vực.

Trước Ngày Tái chế Toàn cầu 18/3, công ty Aqua Libra thuộc sở hữu của Britvic đã ra mắt WasteShark đầu tiên ở London. WasteShark là robot hàng hải do công ty Ran Marine chế tạo, được thiết kế để dọn rác thải nhựa khỏi các vùng nước trong khu vực đồng thời thu thập dữ liệu giúp cải thiện môi trường.

Aqua Libra WasteShark được triển khai tại Canary Wharf của London trong tuần này trong khuôn khổ dự án làm sạch khu vực và biến vùng nước trở thành môi trường lành mạnh và đa dạng sinh học hơn.

Canary Wharf là một khu tài chính thịnh vượng nằm trên sông Thames của Luân Đôn. 120.000 người thường xuyên đến đây mỗi ngày làm việc hoặc mua sắm.

Tập đoàn Canary Wharf, doanh nghiệp phát triển và quản lý khu vực này đã nỗ lực rất lớn nhằm giảm lượng nhựa sử dụng một lần. Nhưng lượng người qua lại đông khiến các cốc cà phê dùng một lần và giấy gói đồ ăn trưa quá nhiều, dễ dàng rơi xuống nước và gây ô nhiễm dòng sông.

Hiện nay, chỉ có 14% các con sông ở Anh đáp ứng tình trạng sinh thái tốt. Các tuyến đường thủy của quốc gia này bị ô nhiễm từ nông nghiệp, nước thải, đường giao thông và rác thải nhựa sử dụng một lần.

Các nhà khoa học đã ước tính, mỗi năm có tới 8 triệu tấn nhựa xâm nhập vào đại dương, phần lớn bị cuốn từ những thành phố, khu dân cư ra biển theo những con sông.

Richard Hardiman, người sáng lập và là giám đốc điều hành công ty Ran Marine lần đầu tiên nảy ra ý tưởng về robot làm sạch nước khi chứng kiến hai người đàn ông chèo thuyền vớt rác trên dòng sông ở thành phố Cape Town, Nam Phi, quê hương ông.

"Những công nhân môi trường đang dọn dẹp một ít rác thải ở một khu vực nước và gió thổi bay mọi thứ, công việc rất vất vả. Như tôi thấy, công việc trông cực kỳ kém hiệu quả,” ông Richard nói.

Lấy cảm hứng từ cái miệng rộng của cá nhám voi, loài động vật biển khổng lồ ngoạm bất cứ thứ gì ở phía trước, công ty Ran Marine của Richard chế tạo robot dọn rác trên sông hồ WasteShark.

Ông nói: "Tôi ví robot như một thiết bị hút bụi Roomba làm sạch nước. Đó là một cỗ máy tự động hút vật chất ô nhiễm ra khỏi bề mặt nước. Rác gây ô nhiễm có thể là nhựa hoặc bất kỳ mảnh vụn rác thải hoặc sinh khối như tảo, rong.”

Ông Richard cho biết: "Chúng tôi thiết kế WasteShark theo phương thức robot không tác động đến môi trường mà thiết bị đang hoạt động. Chúng ta thấy, có rất nhiều tàu thuyền ra khơi, làm sạch biển nhưng thường chạy bằng động cơ diesel với máy móc truyền chuyển động, thường vẫn có dầu, nhớt và vật chất ô nhiễm quay trở lại nước trong khi các tàu thuyền hoạt động vì mục đích làm sạch nước biển.

Giám đốc điều hành Ran Marine cho biết, WasteShark hoàn toàn chạy bằng điện và yên tĩnh đến mức không làm ảnh hưởng đến động vật hoang dã. "Vịt và thiên nga bơi tránh xa robot. Thiết bị cũng không đủ nhanh để vợt cá. Do đó, thiết bị thực sự là một giải pháp tác động đến môi trường thấp để loại bỏ ô nhiễm ra khỏi nước.”



Wasteshark nuốt rác trong nước. Ảnh: Aqua Libra

WasteShark có thể làm gì?

WasteShark chạy bằng pin điện, di chuyển chậm với khoảng cách tối đa 5 km trong một lần sạc. Thời gian di chuyển này tương đương với khoảng 8-10 giờ làm sạch. Rác thải mà WasteShark thu gom được khoảng 500kg mảnh vụn, tương đương với khoảng 21000 chai nhựa.

Tất cả các loại rác thải được thu gom trong bụng robot, sau đó sẽ được lên bờ, phân loại, chuyển đi tái chế hoặc xử lý có trách nhiệm. Trong khi vơ vét rác đầy khoang, WasteShark cũng thu thập những mẫu nước cần thiết để đánh giá.

Richard giải thích: "Chúng tôi thu thập dữ liệu về chất lượng nước từ khắp nơi trên thế giới và tổng hợp dữ liệu đó. Nước trông như thế nào vào tuần trước, năm ngoái. Nước ngày càng sạch hơn? Có phải môi trường nước đang thay đổi? Các loại động thực vật có sống được không?” Ông nói thêm

"Kế hoạch của chúng tôi là triển khai những robot này trên khắp thế giới, dọn dẹp rác rưởi trên mặt nước khi chúng ta đang ngủ, tạo nên sự khác biệt và tác động tích cực đến môi trường sống.”

Thiên Bảo (T/h)