Các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TPHCM: Từng bước chuyển đổi sang mô hình sinh thái

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/3/2023 | 3:31:29 PM

QLMT - Có thể thấy việc chuyển đổi các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TPHCM từ mô hình truyền thống sang sinh thái, công nghệ cao là xu thế tất yếu. Nhưng việc thực hiện ra sao vẫn đang là câu hỏi lớn mà các doanh nghiệp mong chờ sớm có câu trả lời.

Bước chuyển mình tất yếu

Việc dịch chuyển dần khỏi các KCN của TPHCM đang là xu thế của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở các ngành thâm dụng lao động, công nghệ không cao, dễ gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM, thông tin, nhiều doanh nghiệp da giày đã di dời về các vùng quê ở các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang… Hiện các doanh nghiệp da giày còn hoạt động trong các KCN chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp tính chuyện dời đi thì các KCX-KCN cũng tính chuyện thay đổi. Từ năm 2018, KCN Hiệp Phước đã được Bộ KH-ĐT và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chọn thí điểm xây dựng KCN sinh thái. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước Giang Ngọc Phương cho biết, các chuyên gia UNIDO đến tận nhà máy của các doanh nghiệp trong KCN, xem xét từng quy trình để tư vấn cho doanh nghiệp về cải tiến quy trình, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất… Đến nay, tại KCN Hiệp Phước, khái niệm "cộng sinh công nghiệp” đang được vận dụng ngày càng nhiều. Cụ thể, chất thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác. Bột vụn thạch cao, thứ phẩm của công ty vách trần sẽ chuyển sang cho công ty làm bê tông tươi. Khí nóng sinh ra trong quá trình sản xuất dầu thực vật, thay vì xả lên trời thì sẽ được dẫn qua đường ống đến nhà máy khác để tạo ra nhiệt lượng…



Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. 

Ở KCX Tân Thuận, những ngày đầu thành lập, gần như toàn bộ doanh nghiệp trong KCX này thuộc các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, trong số 240 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp thuộc nhóm thâm dụng lao động hiện còn chiếm khoảng 50% và xu hướng tiếp tục giảm.

Thông tin sớm để doanh nghiệp an tâm

TPHCM đang xây dựng Đề án định hướng phát triển các KCX-KCN giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, TPHCM cần có một lộ trình thích hợp, từng bước chuyển đổi các KCX-KCN hiện hữu theo các mô hình hiệu quả hơn. Tại các diễn đàn góp ý cho dự thảo đề án, nhiều doanh nghiệp và các chủ đầu tư hạ tầng KCX-KCN bày tỏ băn khoăn khi nhiều KCX-KCN đã đi hơn một nửa chặng đường 50 năm (thời gian thuê đất ở các KCX-KCN - PV). Thời gian còn lại không nhiều, khiến cho các doanh nghiệp e ngại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng đều mong muốn thành phố sớm có phương án định hướng phát triển các KCX-KCN hiện hữu. Cùng với đó là lộ trình, chính sách chuyển đổi KCX-KCN để các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao an tâm đầu tư dài hạn; các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cũ, lạc hậu có kế hoạch đổi mới công nghệ.

Tại KCX Tân Thuận, đại diện Công ty TNHH Tân Thuận cho biết, vì TPHCM chưa có chính sách khuyến khích di dời các doanh nghiệp truyền thống nên các doanh nghiệp này vẫn hoạt động cho đến thời điểm hết thời hạn thuê đất. Do vậy, các đơn vị dịch vụ quản lý hạ tầng KCX-KCN hiện đang tự chuyển đổi cơ cấu thu hút đầu tư, khích lệ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động.

Quá trình dịch chuyển, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, thay bằng những ngành công nghệ cao ở KCX Tân Thuận bắt đầu diễn ra mạnh từ hơn 10 năm trước. Khi đó, sự dịch chuyển diễn ra khá dễ dàng, doanh nghiệp muốn dời đi có thể cho thuê lại đất và dùng số tiền đó để tạo lập nhà xưởng ở nơi mới. Nhưng nay, khi KCX Tân Thuận chỉ còn 19 năm trong thời hạn cho thuê đất, việc kiếm tìm nhà đầu tư mới để "thế chân” rất khó bởi khoảng thời gian này là quá ngắn để đầu tư mới. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế với các ngành thâm dụng lao động ở TPHCM lại ngày càng rõ ràng hơn.

Bối cảnh đó đặt ra cho TPHCM yêu cầu sớm có cơ chế, lộ trình rõ ràng với bộ tiêu chí cụ thể cho quá trình chuyển đổi KCX-KCN để nhà đầu tư an tâm, chủ động.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, cho biết, trong tháng 3-2023, Hepza sẽ có thông tin chính thức về chủ trương của thành phố để các doanh nghiệp yên tâm.

Theo quy hoạch, TPHCM có 23 KCX-KCN tập trung với tổng diện tích gần 6.000ha. Đến nay, đã có 19 KCX-KCN được thành lập, trong đó 17 KCX-KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Từ khi triển khai đến nay, các KCX-KCN của thành phố đã thu hút 1.665 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các KCX-KCN khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô).

Định hướng phát triển đang được Ban Quản lý các khu Chế xuất và công nghiệp TPHCM xây dựng đề ra một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu chuyển đổi công nghệ hoặc di dời. Cụ thể là không xem xét gia hạn thời gian hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất của dự án nếu doanh nghiệp không chuyển đổi công nghệ, giảm thâm dụng lao động theo quy định. Công ty phát triển hạ tầng mua lại đất, nhà xưởng của doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu để thu hút dự án mới có công nghệ tiên tiến hơn. Phối hợp các ban quản lý KCN các tỉnh tìm quỹ đất để giới thiệu doanh nghiệp có nhu cầu di dời…

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng

Định hướng của TPHCM về việc chuyển đổi các KCX-KCN, hạn chế dần những ngành thâm dụng lao động, dùng công nghệ cũ để chuyển sang thu hút những ngành công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao là phù hợp với xu hướng chung. Nói đây là xu hướng chung, bởi các doanh nghiệp cũng đã nhận ra rằng nếu cứ sử dụng công nghệ cũ thì không thể tồn tại được trong bối cảnh hiện nay. Cho nên dù được định hướng hay không, các doanh nghiệp cũng sẽ tự mình chuyển đổi để tồn tại. Nhưng nếu TPHCM có định hướng rõ ràng, thì doanh nghiệp sẽ có phương hướng để làm tốt hơn.

Với các KCX-KCN hiện hữu, cần chuyển đổi theo hướng KCX-KCN nào sát nội thành thì làm thương mại dịch vụ, còn khu nào ở xa thì làm công nghiệp công nghệ cao. Tinh thần chung là không bắt buộc nhưng quan trọng là sự định hướng: ai chuyển đổi thì được hỗ trợ về cơ chế chính sách, ai không làm đúng định hướng thì tất yếu sẽ không tồn tại được. Về chính sách hỗ trợ, TPHCM có thể liên kết với các địa phương khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dời về.

Bên cạnh đó, TPHCM cần kiến tạo không gian phát triển mới, là những khu ngoại thành quỹ đất còn nhiều, có thể xây dựng mới các KCN, khu đô thị mới theo định hướng sinh thái, công nghệ cao.

Theo tôi, với định hướng rõ ràng về phát triển thương mại dịch vụ, TPHCM cần triển khai ngay bằng cách xây dựng bộ tiêu chí chuyển đổi, để Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM chủ trì và thông báo đến từng KCX-KCN kèm theo chính sách hỗ trợ. Một bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể, công khai sẽ dễ cho đơn vị thực hiện; đồng thời các sở, ngành cũng dễ căn cứ vào đó mà cấp phép cho doanh nghiệp (nếu cần).

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công: Mong được hỗ trợ chi phí di dời

Dù hiện nay chưa có yêu cầu di dời từ phía thành phố, nhưng doanh nghiệp nhận thức rất rõ xu hướng chuyển đổi các KCX-KCN của TPHCM tất yếu sẽ xảy ra. Với mức sống ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp đang "đau đầu” chuyện trả lương để giữ chân lao động. Việc mở rộng sản xuất cũng vì thế mà khó khăn hơn so với ở các tỉnh - nơi có nguồn nhân công rẻ và nhiều chính sách ưu đãi hơn. Khi di dời, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về chi phí. TPHCM có thể trao đổi với các địa phương lân cận để doanh nghiệp di dời đến được hưởng ưu đãi về đất, về thuế.

Ông Trần Tựu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Ưu tiên quỹ đất phát triển các khu công nghiệp mới

Hoạt động quy hoạch các KCX-KCN cần được nhanh chóng triển khai, trong đó xem xét, đánh giá, thúc đẩy các KCN đã có quyết định thành lập sớm hoàn thiện đầu tư, đi vào hoạt động. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các KCX-KCN, các doanh nghiệp hiện hữu trong các KCX-KCN đầu tư mới, chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là quy hoạch đầu tư các KCX-KCN mới quy mô lớn với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; quy hoạch quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển các KCX-KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2040. Mặt khác, cần có chính sách dành các quỹ đất có đủ điều kiện, thuận lợi, phù hợp cho đầu tư phát triển các KCX-KCN mới.

Mai Hoa/SGGP