Nam Định: Khắc phục những bất cập trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/3/2023 | 4:27:32 PM

QLMT - Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Học sinh Trường THCS Bạch Long (Giao Thủy) tham gia thu gom rác thải xung quanh nơi sinh sống.
Học sinh Trường THCS Bạch Long (Giao Thủy) tham gia thu gom rác thải xung quanh nơi sinh sống.

Những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được quan tâm, chú trọng, góp phần bảo đảm vệ sinh, cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do công tác đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực trạng này buộc các cấp chính quyền, ngành chức năng phải gia tăng biện pháp với phương án thiết thực hơn để khắc phục xử lý thích hợp, triệt để các bất cập trong hoạt động thu gom, xử lý RTSH.


Học sinh Trường THCS Bạch Long (Giao Thủy) tham gia thu gom rác thải xung quanh nơi sinh sống.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Nam Định, công tác thu gom RTSH do Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định thực hiện; đã thu gom, xử lý được 94% trong tổng số 220 tấn RTSH phát sinh mỗi ngày. Tại các huyện, đã hình thành các tổ/hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường ở 100% các xã, thị trấn, hoạt động theo hình thức tự thu phí từ các hộ dân trên địa bàn thu gom để chi trả lương cho người lao động; khối lượng thu gom, xử lý đạt khoảng 88,3% trong tổng khối lượng 660 tấn RTSH phát sinh mỗi ngày. Toàn tỉnh Nam Định hiện có 164/204 xã, thị trấn đã vận động nhân dân thực hiện phân loại RTSH tại nguồn. Tỉnh đã huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình xử lý RTSH tập trung.

Tại thành phố Nam Định, Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định chôn lấp RTSH tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa quy mô 23,7ha. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư các công trình xử lý RTSH quy mô cấp xã bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh hoặc sử dụng lò đốt. Đến nay, đã có 182 xã, thị trấn đầu tư công trình xử lý RTSH, trong đó có 73 xã, thị trấn xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh; 109 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt RTSH nhỏ, loại công suất phổ biến từ 300-500 kg/giờ, cá biệt có một số lò đốt công suất 1.000 kg/giờ. Các huyện đã nỗ lực thu hút doanh nghiệp xây dựng các công trình xử lý rác thải theo phương án đầu tư ngay tại các khu xử lý rác thải cũ.

Điển hình như: "Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” do Công ty TNHH một thành viên Môi trường xanh Nam Trực tại thị trấn Nam Giang (Nam Trực); "Công viên kết hợp xử lý rác thải tại thị trấn Xuân Trường” do Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) thực hiện; "Lò đốt rác LODORA” do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Môi trường Thảo Nguyên sản xuất tại thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ)...

Nhìn chung, các công trình xử lý RTSH đã cơ bản giải quyết nhu cầu hiện tại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần quan tâm tháo gỡ khắc phục để không bị động về vấn đề xử lý RTSH.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho biết, khối lượng RTSH trên địa bàn tăng dần qua các năm, gây áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý. Trong khi đó, công tác phân loại rác thải tại nguồn hiện mới thực hiện được tại một số xã và các gia đình có đất vườn rộng để có thể đào hố chôn lấp tự xử lý rác hữu cơ tại chỗ.

Tổ/hợp tác xã dịch vụ thu gom thì chủ yếu sử dụng phương tiện vận chuyển là xe kéo, xe cải tiến, chưa có ngăn chứa riêng để chứa rác đã phân loại. Dịch vụ thu gom, xử lý RTSH cũng phát sinh nhiều bất cập, nhiều nơi còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân.

Năm 2022, trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân huyện Trực Ninh đã phản ánh việc khu xử lý rác tập trung của thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) do xử lý không kịp, rác thải thu gom tập kết đổ tràn trước cửa Đền Triệu Việt Vương thôn Đông Hạ, xã Trực Thuận làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Người dân huyện Ý Yên cũng thường xuyên kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng về tình trạng xử lý RTSH theo mô hình lò đốt rác công suất nhỏ và các bãi chôn lấp tập trung trên địa bàn huyện hoạt động chưa hiệu quả, nhiều bãi đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại huyện Mỹ Lộc, từ nhiều năm nay người dân thường xuyên kiến nghị vấn đề xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường của bãi chôn lấp rác thải thuộc Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Hưng.

Theo UBND tỉnh Nam Định, đối với các kiến nghị của cử tri các địa phương, tỉnh đều giao các đơn vị chức năng, các địa phương căn cứ vào thực tế, khẩn trương nỗ lực tháo gỡ, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Trực Ninh, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng và UBND xã Trực Thuận làm việc với UBND thị trấn Liễu Đề kiểm tra, xác minh và khắc phục nội dung người dân kiến nghị.

Theo đó, UBND thị trấn Liễu Đề đã tổ chức thu gom toàn bộ rác thải phát sinh tại khu vực trên đưa về xử lý tại lò đốt rác thải của thị trấn, cắm biển báo "cấm đổ rác”, lập rào ngăn cách không cho xe cơ giới vận chuyển rác ra bờ ruộng, lắp đặt camera giám sát tại khu vực phát sinh rác thải tự phát không đúng nơi quy định. Đối với tình trạng bãi chôn lấp đã quá tải, hiệu quả xử lý RTSH của lò đốt rác công suất nhỏ không cao, gây ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm nay UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng các khu xử lý RTSH tập trung quy mô cấp vùng huyện.

Hiện nay, tỉnh Nam Định đang gấp rút hoàn tất công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tỉnh đã đề xuất phương án tích hợp 5 khu xử lý rác thải tập trung tại các xã, thị trấn: Quất Lâm (Giao Thủy), Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), Lâm (Ý Yên) để xử lý rác thải cho các huyện, liên huyện trong toàn tỉnh; đồng thời quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút xã hội hoá, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các công trình xử lý rác thải quy mô liên vùng. Tỉnh đã phê duyệt đầu tư dự án "Xây dựng khu xử lý rác thải” của Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) với mục tiêu xử lý rác thải cho thành phố Nam Định và các huyện lân cận, công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản.

Hiện Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định, đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện khởi công dự án xây dựng khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành chậm nhất vào ngày 15-5-2023. Ngoài ra, trên toàn tỉnh đang triển khai các dự án xử lý RTSH quy mô lớn gồm: Khu xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh, khu xử lý rác thải thị trấn Nam Giang (Nam Trực), khu xử lý rác thải thị trấn Lâm (Ý Yên); một số nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát để xây dựng khu xử lý rác thải tại thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Trong khi tập trung chuẩn bị cho xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô lớn, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; duy trì hoạt động của các khu lý RTSH hiện có; trong đó chú trọng các biện pháp xử lý môi trường đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

"Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, khiến tỷ lệ lượng rác thải tăng 10-16%/năm, trong khi hạ tầng chưa theo kịp. Thí dụ, về khâu quy hoạch, khâu dự báo để quy hoạch, các khâu từ tập kết, đưa về các điểm trung chuyển ở đô thị không có mái che, mưa gió khiến rác rò rỉ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, hoặc phát tán, gây ô nhiễm không khí".  Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường