Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/2/2023 | 4:41:45 PM

QLMT - Chiều 21/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự có lãnh đạo đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; các nhà khoa học, chuyên gia - Ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&ĐT.

Về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.



Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tỉnh có vai trò cửa ngõ đồng thời là phên dậu phía tây bắc của thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, kinh tế địa phương có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Công cuộc phát triển đã thu được những kết quả khả quan, đáng khích lệ. Năm 2020, Phú Thọ đứng thứ 43 về diện tích tự nhiên, thứ 24 về dân số. Xét theo GRDP/người và năng suất lao động thì Phú Thọ đứng thứ 41 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… 

Tuy nhiên theo ông Quang, các yếu tố nền tảng tạo tiền đề tăng tốc nhanh, bền vững của tỉnh chưa được tạo lập đủ mức. Công nghệ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh còn tương đối thấp. Mô hình tăng trưởng chưa có nhân tố bứt phá, rõ nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, sản xuất truyền thống còn phổ biến. 

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phú Thọ định hướng trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi. xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc (Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La và Hà Giang): Trung tâm thương mại, logistics, Trung tâm đào tạo, Trung tâm khám chữa bệnh, Trung tâm văn hóa - du lịch của tiểu vùng Tây Bắc. 

Phú Thọ đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao 8,5% trong giai đoạn 2021 - 2025, lên tới 12,4% giai đoạn 2026 - 2030 (so với 6,67% giai đoạn 2011 - 2020). Tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng GRDP bình quân đầu người lên 84 triệu đồng/người giai đoạn 2021 - 2025, 162,5 triệu đồng/người giai đoạn 2025 - 2030 (so với 50,8 triệu đồng/người giai đoạn 2011 - 2020).

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, tỉnh này ước tính số vốn cần huy động khoảng 45.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025 và khoảng 115.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030. Và để huy động số vốn khổng lồ này, Phú Thọ hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ ở trong nước và khu vực FDI. 

Trên cơ sở mục tiêu là tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phú Thọ xác định xây dựng "Một trung tâm - hai hành lang kinh tế - ba đột phá phát triển"

Cụ thể, Phú Thọ đặt mục tiêu đưa Việt Trì trở thành đô thị loại 1, cũng như thành trung tâm quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trọng tâm là phát huy vai trò Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. 

Với 2 hành lang kinh tế, Phú Thọ xác định trục Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL. 2D hiện hữu. Trên trục này bao gồm 2 trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh là TP Việt Trì, Tx. Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Thụy Vân, Bắc Sơn, Phù Ninh, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa), Khu du lịch (Đền Hùng ở Tp. Việt Trì, Đền mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên ở huyện Hạ Hòa).

Tiếp theo là trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội (Ba Vì), một phần tuyến QL. 2 và QL.32. Trục này bao gồm trung tâm kinh tế là Tx. Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Đoan Hùng, Thanh Ba, Phú Hà, Bắc Sơn, Tam Nông, Trung Hà), Khu du lịch (Nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thủy, Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf ở huyện Tam Nông), 01 Trung tâm logistics cấp Vùng.

Tỉnh cũng xác định 3 đột phá cần tập trung thực hiện là: Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng Phú Thọ có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế như nằm ở vị trí trung tâm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh…

Tuy nhiên, việc phát triển của Phú Thọ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ của trung ương; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; tài nguyên và dư địa không gian phát triển còn nhiều nhưng chưa phát huy hết…

Theo đó, để tỉnh Phú Thọ phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Phú Thọ phải làm rõ được những động lực, đột phá để có thể đạt được tăng trưởng 8,5% giai đoạn 2021-2025 và 12,4% giai đoạn 2026-2030 như các kịch bản đưa ra.

Đặc biệt là việc xem xét định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành, bao gồm: 3 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp; 3 vùng công nghiệp với việc bổ sung thêm 6 khu công nghiệp và 28 cụm công nghiệp; trung tâm dịch vụ thương mại, cảng cạn tại TP.Việt Trì và trung tâm logistics cấp vùng tại thị xã Phú Thọ; và bổ sung thêm 17 sân golf trong điều kiện bảo đảm phù hợp với các tiêu chí về bảo vệ môi trường và khả năng thu hút đầu tư…

Minh Anh