Nỗ lực duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp trong năm mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2023 | 4:55:49 PM

QLMT - Bước vào năm mới 2023, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận sẽ tiếp tục vượt khó để duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh…

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khá ổn định và có mặt chuyển biến tiến bộ, kết quả đạt được cao hơn năm trước. Qua theo dõi, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nơi đây trong năm 2022 cơ bản ổn định và duy trì tăng trưởng. Nhất là với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng may mặc, da giày, túi xách, giấy dính cao cấp, hải sản, thực phẩm, nhân hạt điều, khoáng sản, vật liệu xây dựng… có sự tăng trưởng ổn định. Trong khi nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ như gas, bia, nước giải khát, buôn bán và sửa chữa ô tô… cũng thể hiện mức tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều tăng cao hơn bình quân chung toàn tỉnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 66 dự án trong các khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng số vốn trên 7.760 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD tăng 53% so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách trên 120 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động, tăng 4,5% so với năm 2021.  

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng đa số các doanh nghiệp đều đã thực hiện tương đối tốt các quy định của nhà nước về chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân... không để xảy ra đình công hay khiếu nại, khiếu kiện đông người. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 331 lao động của 19 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền là 493,5 triệu đồng.



Hiện các doanh nghiệp tham gia sản xuất - kinh doanh tại các KCN của tỉnh Bình Thuận góp phần tạo việc làm cho hơn 11.500 lao động với thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện khá tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại đơn vị mình; đồng thời, tổ chức khắc phục kịp thời các hạn chế thiếu sót, các nguy cơ xảy ra cháy nổ cũng như các kiến nghị của Đoàn kiểm tra của tỉnh.

Hiện các doanh nghiệp tham gia sản xuất - kinh doanh tại các KCN của tỉnh Bình Thuận góp phần tạo việc làm cho hơn 11.500 lao động với thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Dù vậy, năm vừa qua tại các KCN trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng tình hình bất ổn trên thế giới, đơn hàng ít hoặc không có đơn hàng để sản xuất. Như các sản phẩm gỗ xuất sang thị trường châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga - Ukraine, hoặc sản phẩm nông sản (trái thanh long), bao bì carton, phân bón, chế phẩm sinh học, cơ khí… thì gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ… Tuy nhiên nhìn tổng thể trong năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận, ước tăng trưởng từ 10 - 16% so năm trước đó. Cụ thể: Doanh thu đạt khoảng 7.760 tỷ đồng (bằng 115% kế hoạch), kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 220 triệu USD (vượt 16% so kế hoạch) và nộp ngân sách 120 tỷ đồng (bằng 110% kế hoạch).

Trong năm 2023 này, hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục được các doanh nghiệp nỗ lực duy trì, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho số đông người lao động. Theo đó, Công ty TNHH Hải Triều - doanh nghiệp thuộc ngành thủy hải sản hướng tới phát triển đa dạng sản phẩm, nhất là các sản phẩm mới mà đơn vị có tiềm năng, lợi thế. Còn đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy sản Trans Pacific cho biết sẽ duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP và các tiêu chuẩn quốc tế khác như BRC, FSSC đối với mặt hàng ăn sống. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, đồng thời có kế hoạch xây dựng thêm kho lạnh với công suất khoảng 2.000 tấn/năm.

Nỗ lực vượt khó trong năm 2023, Công ty TNHH May Thuận Tiến sẽ triển khai những giải pháp linh hoạt, năng động, nhạy bén nhằm tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới. Cùng với đó chủ động nâng cao năng lực sản xuất bằng cách chú trọng phát triển công nghệ, đầu tư bổ sung thiết bị tự động và bán tự động, xây dựng đội ngũ quản lý điều hành sản xuất phù hợp yêu cầu của công nghệ quản lý số… Đối với Công ty TNHH Quốc tế Right Rich thì hướng tới mục tiêu lớn nhất mà doanh nghiệp đặt ra là tăng cường liên kết khách hàng để có được nhiều đơn hàng hơn nữa trong năm mới 2023. Từ đó đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định cũng như có thêm điều kiện để quan tâm, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục hoàn thành quy hoạch chung Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân, La Gi sau khi Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Đôn đốc triển khai thực hiện các thủ tục đền bù, giải tỏa, khởi công xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 sau khi Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Thực hiện tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tạo đà để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và không để xảy ra đình công, tụ tập đông người, biểu tình trái phép gây mất an ninh trật tự trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Sơn Hà