Giá trị truyền thống

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/1/2023 | 4:37:52 PM

QLMT - Nói truyền thống là nói đến những gì tốt đẹp, tinh túy, được người ta trân trọng, bảo tồn, nâng niu. Từ này luôn có nội hàm là tốt đẹp, tích cực.

Truyền thống là những gì được lưu truyền và kế thừa theo thời gian của một vùng địa lý hay một cộng đồng dân cư. "Thống” là hệ thống, "truyền” là lưu truyền, lan truyền. Nói truyền thống là nói đến những gì tốt đẹp, tinh túy, được người ta trân trọng, bảo tồn, nâng niu. Từ này luôn có nội hàm là tốt đẹp, tích cực. Chỉ cần nói: "Vùng quê ấy có truyền thống học hành” là ai cũng hiểu nơi đó nổi tiếng học giỏi, có nhiều người đỗ đạt cao mà không cần phải nói rõ thêm: "Vùng quê ấy có truyền thống học giỏi”. 



Dòng tộc họ Đồng ở Việt Nam đã có từ lâu đời chiếm tỉ lệ nhỏ (khoảng 0,8 %) trong tổng số gần 100 triệu người Việt Nam hiện nay. Vào những năm biến động lịch sử do chiến tranh và bao cấp, việc thờ cúng tổ tiên, quy tụ dòng họ cũng như chép gia phả tuy không sôi nổi như ngày nay, nhưng các chi họ Đồng Việt Nam vẫn bảo tồn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Trong ảnh: Hằng năm, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam thường tổ chức Lễ tưởng niệm ngày Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm - Pháp loa (Đồng Kiên Cương) nhập niết bàn và cầu quốc thái dân an.

Khi nói: "Một dòng họ giàu truyền thống” thì đương nhiên người ta hiểu đó là dòng họ có nhiều người hiền tài, đức độ, có nhiều thành viên giỏi, đóng góp được nhiều cho quê hương, đất nước chứ không thể hiểu ngược lại. Cũng có đôi khi ta nghe đâu đó nói: "Cái nhà đó có truyền thống lục đục, vô giáo dục”. "Cơ quan này có truyền thống mất đoàn kết” v.v... Nói vậy chỉ để nhấn mạnh cái đặc điểm mang tính hệ thống một cách trầm trọng. Thực ra phải nói: "Cái nhà đó từ đời ông cha đến con cháu luôn bất hảo, vô giáo dục” và "Cơ quan này qua mọi thời lãnh đạo đều mất đoàn kết, đã thành hệ thống”.

Như vậy, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, truyền thống cần phải được gìn giữ, phát huy. Đó là những giá trị tốt đẹp đã được khẳng định qua thời gian, qua sự kiểm chứng của nhiều thế hệ. Không dễ thứ gì cũng có thể được công nhận là truyền thống dẫu buổi ban đầu được người ta thích thú, thậm chí vồ vập. Ví như nhạc nhẹ (extrade) sau ngày nước ta được thống nhất đã du nhập từ các tỉnh phía Nam ra miền Bắc, nhất là thủ đô Hà Nội, được nhiều bạn trẻ, đặc biệt ở khu vực thành thị ưa thích.

Khi ấy, thứ nhạc này đã gần như lan tràn ở mọi cuộc sinh hoạt âm nhạc của giới trẻ, trở nên như là nhấn chìm âm nhạc truyền thống. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi nhạt dần. Vài năm gần đây, lại thịnh nhành dòng nhạc "Boléro”. Nhưng xem ra số người ưa thích dòng nhạc này cũng mỗi ngày một ít dần.

Người ta lại trở về với dòng nhạc truyền thống là những bài ca theo phong cách dân gian hoặc thính phòng, bác học. Nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam ta có từ sau năm 1930, nở rộ và phát triển từ sau năm 1945. Những bài hát hay nhất, có giá trị nhất về tư tưởng và nghệ thuật đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ công chúng ưa thích đều nằm trong hai dòng dân gian (folkore) và thính phòng (académique) hoặc pha trộn về phong cách giữa hai dòng này mà không thể là dòng nào khác. Đó là âm nhạc truyền thống. Nó làm phong phú thêm tâm hồn, đời sống tinh thần của con người. Sẽ là rất nghèo nàn nếu ta thoát ly, quay lưng lại với âm nhạc truyền thống.

Cũng như vậy, trong mọi lĩnh vực khác, truyền thống vẫn là thứ có vẻ đẹp vĩnh hằng. Ví như chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam sẽ muôn đời đẹp, được tất thảy chị em ưa thích mặc mỗi dịp lễ hội trang trọng hoặc vui vẻ, thảnh thơi.

Tất nhiên, theo thời gian, ở mỗi giai đoạn lịch sử có thể cách tân chút ít nhưng chỉ là những tiểu tiết mà không thể thay đổi quá nhiều sẽ làm mất đi vẻ đẹp nền nã, hấp dẫn vốn có của tà áo truyền thống này. ( ví như cổ khoét rộng hơn, tà xẻ cao hơn, ống tay loe hơn, vạt ngắn hơn...)

Thoát ly, rời bỏ truyền thống sẽ tự tước bỏ những giá trị mà mình được hưởng thụ, sẽ tự làm nghèo mình và dễ trở thành nô lệ cho mọi thứ thời thượng không có tính bền vững./.

TS.LS Đồng Xuân Thụ