Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Liên kết với nguồn lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/12/2022 | 9:05:19 AM

QLMT - Tính đến hết tháng 11-2022, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.732 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 371 ha.

Vào dịp cuối năm chúng tôi lại có cơ hội đến tìm hiểu hoạt động của Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc và các đơn vị thành viên. Mỗi lần tới là một lần chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nơi đây. Đáng mừng là nhiều viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đã "bén rễ” phát triển, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến của các đơn vị thành viên trong khu CNC để liên kết với nhau tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Những tín hiệu vui    

Tính đến hết tháng 11-2022, tổng diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng của Khu CNC Hòa Lạc là 1.403/1.586 ha (bao gồm cả diện tích hồ Tân Xã và suối Dứa Gai), chiếm tỷ lệ 88,4% tổng diện tích theo quy hoạch. Tổng số tiền giải ngân trong năm 2022 ước đạt khoảng 144 tỷ đồng. Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.732 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 371 ha. 

Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hoà Lạc Lưu Hoàng Long cho chúng tôi biết: Tính riêng trong 11 tháng năm 2022, Khu CNC Hoà Lạc đã thu hút được ba dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 1.113 tỷ đồng. Ban Quản lý đang tiếp tục thụ lý một số đề xuất dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, trong đó tiêu biểu là: Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự và dân sự của Tập đoàn Viettel với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ cao CMC của Tập đoàn Công nghệ CMC với tổng vốn đầu tư hơn 2000 tỷ đồng; Dự án Trung tâm nghiên cứu của Tổng công ty Viễn thông MobiFone với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng có mục tiêu sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghệ thông tin trên nền điện toán đám mây, cung cấp dịch vụ cloud computing; Dự án Khu Nghiên cứu Công nghệ cao G-Campus của Công ty CP Tập đoàn G với tổng vốn đầu tư khoảng gần 1.000 tỷ đồng có mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong kiểm thử, sản xuất sản phẩm ứng dụng thử nghiệm..., làm nền tảng để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao của tập đoàn và các công ty con trong cùng hệ sinh thái; Dự án Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương có mục tiêu triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, giải mã, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cải tiến, đổi mới công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị dùng chung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ...

Trong thời gian qua các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 35 nhóm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có những công nghệ mới, công nghệ chủ yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở trình độ thế giới, được khai thác từ các sáng chế và được chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, các dự án hướng tới sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao thuộc 28 nhóm sản phẩm công nghệ cao Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, bao gồm các sản phẩm mới ở Việt Nam, sản phẩm có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường thế giới như đồng hồ điện, đồng hồ nước; thiết bị mạng, thiết bị điện tử; chế phẩm vi sinh sử dụng trong ngành thực phẩm, chăn nuôi; thuốc/dược phẩm nano, đông khô ...

Một xu hướng ngày càng rõ rệt tại Khu CNC Hòa Lạc, xuất hiện ngày càng nhiều sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu CNC Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cụ thể: giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Viettel, Công ty Vinsmart,... trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện, độ tin cậy cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị ICT; giữa Tập đoàn Hanwha và Công ty M3, Công ty Widia Shinki. Có sự kết nối giữa kết quả nghiên cứu của các tập thể và cá nhân các nhà khoa học và hoạt động sản xuất; chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị nghiên cứu và sản xuất ở trong và ngoài Khu (hợp tác giữa Viện VKIST với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A,…; Hợp tác giữa Viện thực phẩm chức năng với các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng để chuyển giao các kết quả nghiên cứu,…

Một số "điểm sáng” trong Khu CNC Hoà Lạc

Đến Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) nhìn cơ ngơi khang trang, phòng thí nghiệm hiện đại chúng tôi có cảm giác nơi đây như một viện nghiên cứu đặt tại Hàn Quốc chứ không phải đặt tại Việt Nam. Năm 2017, VKIST chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu, VKIST gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm cán bộ quản lý cấp cao có uy tín và năng lực để điều hành, dẫn dắt Viện theo đúng các mục tiêu đề ra. Nhờ sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc, từ tháng 6-2017, nguyên Viện trưởng KIST Kum Dongwha đã trở thành Viện trưởng đầu tiên của VKIST. Trong suốt 5 năm điều hành và xây dựng VKIST, Tiến sĩ Kum Dongwha đã nỗ lực xây dựng và phát triển Viện trên cơ sở áp dụng có chọn lọc những cách làm thành công của KIST và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, từng bước xây dựng VKIST theo mô hình mới.

Hiện tại, VKIST đã gặt hái được một số thành quả đáng ghi nhận về cả phần cứng (cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, văn phòng…) và phần mềm (các quy chế nội bộ, hệ thống lương đặc thù, cơ chế triển khai dự án nghiên cứu...). Từ con số nhân sự năm 2017 chỉ khoảng 5 người, đến nay, VKIST đã có hơn 70 thành viên, 4 phòng nghiên cứu đang hoạt động với nhiều nghiên cứu viên giỏi, cùng nhiều chuyên viên có trình độ cao từ nước ngoài trở về cống hiến cho Tổ quốc. VKIST đang tập trung năng lực nghiên cứu vào phát triển các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu, công nghệ thực phẩm và môi trường… Các hoạt động nghiên cứu của VKIST sẽ là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm với nhu cầu công nghệ và các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp. Mô hình VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề cho các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam học hỏi và đổi mới, từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự chuyển mình của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Phòng thí nghiện tự động hóa của VKIST

Để thực hiện sứ mệnh của mình, giai đoạn đầu tiên VKIST tiếp nhận, phát triển và chuyển giao các công nghệ cốt lõi của Hàn Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thay thế công nghệ nhập khẩu. Các lĩnh vực công nghệ thế mạnh của Hàn Quốc sẽ được ưu tiên phát triển nhờ sự giúp đỡ của phía bạn thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu chung giữa KIST và VKIST, gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tích hợp và xây dựng nền tảng nghiên cứu công nghệ nguồn. Thông qua các khảo sát công nghiệp chuyên sâu về nhu cầu thị trường và thế mạnh của Việt Nam, VKIST đã xác định được hai định hướng nghiên cứu chính là Công nghệ thông tin (IT) và Công nghệ sinh học (BT). Trên cơ sở đó, trong giai đoạn đầu, VKIST tập trung nghiên cứu vào phát triển các lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), Công nghệ sinh học (BT), Công nghệ tích hợp IT-BT và Cơ điện tử. Đây là những ngành công nghệ mà Hàn Quốc đã đi trước và thành công trong cả nghiên cứu, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa, từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển nền công nghiệp và kinh tế của Hàn Quốc. Phía bạn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo hướng chuyển giao để nội địa hóa các công nghệ thuộc lĩnh vực này nhằm phát triển nền công nghiệp sản xuất trong nước. 

Trong hướng mũi nhọn công nghệ sinh học, VKIST chủ động liên kết với các doanh nghiệp, nhận đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp CNC đang có mặt tại Khu CNC Hoà Lạc. Mối liên kết giữa VKIST với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm (CVI) là một ví dụ điển hình. Viện nghiên cứu có các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học giỏi, phòng thí nghiệm hiện đại so với khu vực và thế giới. Doanh nghiệp CNC có đơn đặt hàng và vốn đầu tư cho ra sản phẩm cuối cùng từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, không phải qua bất cứ khâu trung gian nào.

Đến CVI chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy Chủ tịch hội đồng quản trị CVI Phan Văn Hiếu là người am hiểu tường tận về cây dược liệu của Việt Nam nhất là khu vực phía Bắc. Theo anh Phan Văn Hiếu Việt Nam được ưu đãi với hệ thống sinh thái phong phú, đa dạng về chủng loại các cây dược liệu với hơn 12 nghìn loài thực vật, trong đó có gần 4 nghìn loài có công dụng làm thuốc được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: Sâm ngọc linh, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Ba gạc Vĩnh Phú…

Đặc biệt, với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kan, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình) có diện tích rộng lớn, địa hình chia cắt, thời tiết khá khắc nghiệt nên hình thành quần thể đa dạng các cây con dược liệu phong phú.

Theo kết quả điều tra đến năm 2016, khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã ghi nhận được trên 1000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và phục vụ nhu cầu thị trường và hưởng tới xuất khẩu (như Quế, Hồi, ba kích, hoè, nghệ, Actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả... ). Đặc biệt, nuôi trồng dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 đến 5 lần so voi một số loài cây nông nghiệp như lúa, ngô, sắn, khoai... Điều này cũng sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân trong khu vực.

Chủ tịch HĐQT CVI Phan Văn Hiếu giớ thiệu các sản phẩm công nghệ cao từ cây dược liệu Việt Nam

Vừa dẫn chúng tôi đi xem cơ ngơi của công ty cũng như gian giới thiệu sản phẩm anh Phan Văn Hiếu vừa cho biết những kết quả bước đầu của công ty trong lĩnh vực dược mỹ phẩm. Ngay từ khi thành lập, CVI đã chú trọng đến hợp tác, liên kết với các nhà khoa học, ứng dụng công nghệ cao vào việc tạo ra các sản phẩm đột phá chất lượng từ dược liệu thuần Việt. Công ty đặc biệt chú trọng mối liên kết với các đơn vị thành viên trong Khu CNC Hoà Lạc trong đó có VKIST. Làm mới những giá trị cũ bằng khoa học công nghệ không chỉ là sự lựa chọn chiến lược giúp CVI với nguồn lực hạn chế có cơ hội tiếp cận thị trường dược phẩm đang cạnh tranh khốc liệt, mà còn là động lực phát triển của Công ty. CVI cho rằng, chỉ có công nghệ cao mới giúp doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo và mang đến những sản phẩm có giá trị cho cộng đồng. 

Thành công đầu tiên minh chứng cho hướng đi mới khác biệt của CVI , đã gây ra tiếng vang lớn trong ngành dược phẩm đó là việc chuyển giao nguồn nguyên liệu Nano Curcumin, chiết xuất từ cây nghệ vàng, từ Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam để bào chế ra viên nang mềm CumarGold, mở đầu cho kỷ nguyên ứng dụng công nghệ Nano hiện đại vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chỉ sau 5 năm, CumarGold đã trở thành sản phẩm dẫn đầu thị trường, được hàng triệu bệnh nhân tin dùng và vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý.

Lựa chọn cây nghệ để khởi đầu cho giấc mơ nâng tầm thảo dược Việt, CVI đã thật sự gặt hái được nhiều thành công với những bước tiến đầy ấn tượng: Tháng 10 năm 2016, CVI tiếp tục ký kết hợp tác nhận chuyển giao công nghệ bào chế Phức hệ Nano FGC từ TS Hà Phương Thư của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam để đưa ra thị trường sản phẩm chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư CumarGold Kare. Sau 2 năm, CumarGold Kare đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của hàng trăm nghìn bệnh nhân ung thư trên toàn quốc.

Tháng 6/2018, một lần nữa CVI tiếp tục trở thành điểm sáng của ngành dược khi nhận chuyển giao công nghệ được Mỹ, Đài Loan cấp bằng sáng chế, để đánh thức tiềm năng dược liệu quý ngàn năm Ưng Bất Bạc, cho ra đời sản phẩm Heposal, với sứ mệnh bảo vệ lá gan người Việt. Đề tài này không chỉ mang lại sản phẩm bảo vệ gan chất lượng cao theo chuẩn quốc tế với giá thành hợp lý, mà quan trọng hơn còn giúp bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu Ưng Bất Bạc, mang hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho bà con nông dân vùng trồng ở 9 tỉnh trên cả nước.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, CVI còn liên tục cho ra đời các dòng mỹ phẩm chăm sóc da như Decumar, Atoskin, Kutieskin. Trong đó, Decumar đã có những bước tăng trưởng thần kỳ khi chỉ sau 3 năm vươn lên trở thành nhãn hàng trị mụn hàng đầu dành cho lứa tuổi teen với hàng triệu tuýp được bán ra mỗi năm.

Tháng 4-2017, CVI bắt đầu thực hiện lộ trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tái cấu trúc hệ thống quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch, chuyện nghiệp, chuẩn mực. Đây là một bước đi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới, khẳng định vị thế, uy tín, tiềm năng và mở ra tầm nhìn mới của CVI trở thành top 10 doanh nghiệp dược phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT CVI Phan Văn Hiếu giới thiệu hệ thống tách chiết các thành phần trong cây dược liệu Việt Nam

Trên hành trình phát triển không ngừng nghỉ ấy, tháng 7-2017 CVI tiếp tục có bước tiến lớn khi vinh dự trở thành doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy tại khu CNC Hòa Lạc với diện tích khoảng 12000 m2. Chi phí đầu tư nhà máy công nghệ cao dự kiến lên tới 300 tỷ đồng với hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bao gồm ba đơn nguyên: Nhà máy chiết xuất dược liệu công nghệ cao siêu tới hạn; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nano; Nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP- WHO… với tham vọng sản xuất 100 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự án Nhà máy dược phẩm công nghệ cao CVI Pharma đã giúp CVI khép kín chuỗi giá trị từ chuyển giao các đề tài nghiên cứu, sản xuất đến phân phối các sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Năm 2022, CVI Pharma cho ra mắt thị trường sản phẩm Kiện Cốt Vương có chứa Chiết xuất quả Chiêu liêu AyuFlex Ⓡ  đã được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế nhờ sở hữu mức độ cao các hoạt chất sinh học được tiêu chuẩn hóa trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả của hoạt chất này, CVI Pharma cũng ứng dụng công nghệ sấy phun sương chiết xuất nhóm thành phần 8-BoneCareCVI Extract, phát triển từ bài thuốc Hy thiêm thang với 8 vị dược liệu cổ truyền thường dùng cho bệnh lý cơ xương khớp: Thiên niên kiện, Dây đau xương, Hy thiêm, Độc hoạt, Kê huyết đằng, Thổ phục linh, Xuyên khung, Ngưu tất bắc. Ứng dụng công nghệ cao trong chiết hỗn hợp chiết xuất dược liệu này giúp tăng độ ổn định cũng như khả năng hòa tan và hấp thu của hoạt chất. Sau hơn 4 tháng ra mắt, Kiện Cốt Vương đã triển khai chiến dịch Vì sức khỏe xương khớp người Việt. Tự hào vượt qua nhiều vòng kiểm định chất lượng chặt chẽ để đồng hành cùng Bộ LĐTBXH, Ban Tuyên giáo TW và nhiều cơ quan ban ngành  Kiện Cốt Vương đã trao tặng hơn 22.000 phần quà chăm sóc sức khỏe xương khớp tới chục nghìn người cao tuổi, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và nhiều cán bộ công an hưu trí trên mọi miền Tổ quốc. 

Ai có dịp đến Khu CNC Hoà Lạc sẽ thấy một điều ngạc nhiên là nơi đây không có hàng rào, không có sự ngăn cách với bên ngoài. Hy vọng trong xu thế đất nước mở cửa, hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới Khu CNC Hoà Lạc sẽ là nơi hội tụ các nguồn vốn đầu tư công nghệ cao, và cũng là môi trường liên kết mở với các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu công nghệ cao trong nước và quốc tế. 

HÀ HỒNG