Tăng cường vai trò của kiểm toán nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/12/2022 | 3:19:38 PM

QLMT - Ngày 1/12, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước".

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, phát triển bền vững gắn với quản lý tài nguyên và bảo vệ mội trường (BVMT) không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà nó đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và là yếu tố sống còn quyết định đến sự phát triển bền vững của nhân loại.

Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Kiểm toán nhà nước đã thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường từ năm 2008; cử các thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI và ASOSAI; kiểm toán môi trường được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19.9 – 22.9.2018, Đại hội đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững".

KTNN Việt Nam cũng đã thực hiện các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có thể kể đến một số cuộc kiểm toán tiêu biểu như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; Kiểm toán Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020; Kiểm toán Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021; Kiểm toán Hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, qua những cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường. Tuy nhiên kiểm toán môi trường do KTNN Việt Nam thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng.



Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới; kết quả kiểm toán công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu của KTNN giai đoạn 2018-2022; KTMT và vai trò của KTNN…

Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Lê Thị Thanh Thủy cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã và đang thực hiện 9 cuộc kiểm toán kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), 16 cuộc kiểm toán hoạt động và chuyên đề liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Kết quả cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; giao đất không đúng đối tượng, không có trong kế hoạch sử dụng đất, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất.

Về kiểm toán môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những hạn chế, bất cập chủ yếu như ban hành chính sách về quản lý môi trường trong các lĩnh vực được kiểm toán chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ.

Một số đơn vị được kiểm toán chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

Đơn cử, Bộ Công thương tham mưu về diện tích bãi chứa tro xỉ cho các nhà máy nhiệt điện than đầu tư theo hình thức BOT chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; còn trường hợp quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chồng lấn diện tích biển với Khu bảo tồn sinh thái biển.

Bộ Tài chính chưa thực hiện công tác xử lý các container phế liệu tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cơ quan Hải quan tại một số tỉnh, thành phố chưa tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục hải quan, công tác quản lý, giám sát phóng xạ trong quá trình nhập khẩu phế liệu…

Bên cạnh đó, hiệu quả, hiệu lực đầu tư của các chương trình, dự án môi trường còn hạn chế, thể hiện ở chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp không ổn định, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực.

Minh Anh