Ô nhiễm do nhiên liệu hoá thạch khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2022 | 9:24:36 AM

QLMT - Một báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 25-10 cho biết ô nhiễm không khí do việc đốt than, dầu, khí… trên thế giới khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm.

Ô nhiễm không khí do khai thác, sử dụng nhiên liệu hoá thạch đang làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên nhanh chóng. Báo cáo chỉ rõ số trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng từ 187.000 trong giai đoạn 2000 - 2004 lên mức trung bình 312.000 người/năm trong 5 năm vừa qua. Chuyên gia về sức khỏe môi trường Natasha DeJarnett tại Trường ĐH Louisville (Mỹ), một đồng tác giả cuộc nghiên cứu, nhận định cả ô nhiễm không khí và tử vong do nắng nóng đều là những vấn đề lớn đối với người cao tuổi, trẻ em và nhất là người nghèo.

Ô nhiễm do nhiên liệu hoá thạch khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm - 1
Biến đổi khí hậu gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 25/10 cũng đã công bố một báo cáo cho rằng hơn 2 tỉ trẻ em sẽ tiếp xúc với các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên, kéo dài và khắc nghiệt hơn vào năm 2050. Đại sứ thiện chí của UNICEF - Vanessa Nakate cho rằng: trẻ em chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đổi khí hậu nhưng lại đang phải gánh chịu tổn hại lớn nhất vì các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, an toàn, dinh dưỡng, giáo dục, khả năng tiếp cận nước và sinh kế trong tương lai.

Báo cáo trên cho thấy năm 2020, số trường hợp đói nghèo được ghi nhận trên thế giới đã tăng thêm 98 triệu so với giai đoạn 1981 - 2010 mà nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng số ngày nắng nóng khắc nghiệt cả về tần suất và cường độ khiến cho nhiều vùng bị khô hạn vào mùa nắng hoặc úng ngập nghiêm trọng vào mùa mưa kèm theo những hiện tượng thời tiết cực đoan làm mất an ninh lương thực.

Bà Marina Romanello, một thành viên của nhóm nghiên cứu và hiện là chuyên gia tại Trường ĐH London cho biết các nhà nghiên cứu đã phân tích 103 quốc gia và phát hiện 26,4% dân số các nước này đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực. Theo tính toán, tỉ lệ này sẽ giảm còn 22,7% nếu thế giới không chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm do nhiên liệu hoá thạch khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm - 2
Người lính cứu hỏa bật khóc trước một đám cháy rừng ở khu vực Losacio, Tây Bắc Tây Ban Nha, ngày 17/7/2022. Nguồn: huffpost.com

Các nhà nghiên cứu lo ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không chỉ làm tăng tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người mà còn góp phần làm nghiêm trọng thêm những khủng hoảng khác như đại dịch COVID-19, giá cả sinh hoạt, năng lượng và lương thực.

Một số chuyên gia đã chỉ ra thực tế rằng nỗ lực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn chưa hiệu quả. Để bảo vệ con người khỏi các cuộc khủng hoảng khí hậu, lãnh đạo các nước trên thế giới cần có sức mạnh ý chí để biến điều này thành hiện thực. 

Ô nhiễm do nhiên liệu hoá thạch khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm - 3
Trẻ em chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đổi khí hậu nhưng lại đang phải gánh chịu tổn hại lớn nhất. Ảnh: ITN

Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỉ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển.

Nguồn: unicef.org


Tham khảo The Lancet/unicef
Lâm Hà