Công nghiệp bê tông đóng góp quan trọng giảm phát thải ròng về 0

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2022 | 11:47:26 AM

QLMT - Trong thời gian tới, ngành công nghiệp xi măng và bê tông sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện cam kết tại COP26 của Việt Nam là giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Đó là một trong những mục tiêu được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VI (2022 - 2025) Hội Bê tông Việt Nam, ngày 20/10. 

Trong báo cáo nghiên cứu phát triển hệ thống bê tông, TS Lê Trung Thành - Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam (nhiệm kỳ 201-2022) cho biết, bê tông đang có xu hướng phát triển ngày càng sâu rộng, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Hàng năm, trên toàn cầu ước tính sản xuất khoảng 35 tỷ tấn bê tông (tương đương với con số 4,4 tấn bê tông/người); 4,2 tỷ tấn xi măng; 28 tỷ tấn cát và đá; 2,8 tỷ tấn nước cộng với phụ gia hóa học và phụ gia khoáng, các loại nguyên vật liệu thay thế xi măng.

Hiện nay, việc nghiên cứu phát triển bê tông đang phát triển theo xu hướng bê tông tính năng siêu cao, bê tông in 3D, bê tông cốt liệu tái chế, bê tông tự hàn gắn, bê tông graphic, bê tông phát sáng, bê tông tích trữ năng lượng, bê tông rỗng tiêu nước, bê tông chịu nhiệt, bê tông chịu lửa, bê tông đúc sẵn, mô hình thông tin xây dựng sử dụng vật liệu bê tông và trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật trong thi công sản xuất bê tông…

Tiến sỹ Lê Trung Thành khẳng định: Bê tông vẫn là vật liệu chủ đạo trong xây dựng, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0” đến năm 2050 do Chính phủ Việt Nam đặt ra. Các loại bê tông chất lượng cao, bê tông chất lượng siêu cao sử dụng phế thải công nghiệp và nông nghiệp, bê tông bền môi trường biển, bê tông nhẹ, bê tông cốt liệu tái chế, bê tông in 3D… tiếp tục được nghiên cứu và ứng dụng tối ưu cho các kết cấu bê tông đổ tại chỗ cũng như cấu kiện đúc sẵn.

Tại Đại hội, Tiến sỹ Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng các tiêu chuẩn về vật liệu và cấu kiện xây dựng hiện nay là 519 tiêu chuẩn (chiếm 62%) và biên soạn mới là 718 tiêu chuẩn (chiếm 57%). Riêng tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực bê tông, xi măng và các sản phẩm liên quan đến bê tông cũng chiếm số lượng khá lớn với 76 tiêu chuẩn hiện tại và 272 tiêu chuẩn mới.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật theo định hướng mới, dự kiến sẽ dựa theo nền tảng của các tiêu chuẩn châu Âu Eurocode (EN). Bộ đang tập trung biên soạn các tiêu chuẩn quan trọng đến tháng 5/2024, phương án tiếp cận dựa vào 10 Bộ tiêu chuẩn của Anh quốc từ BS EN 1990 đến BS EN 1999, bao gồm 58 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng dự kiến cần khoảng thời gian 10 năm để bảo đảm đồng bộ hơn 1.000 tiêu chuẩn Việt Nam theo định hướng mới.

Bắc Lãm