Rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch XLCTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2022 | 4:51:55 PM

QLMT - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có kết luận chỉ đạo rà soát, tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn Thủ đô.

Rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch XLCTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch XLCTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Nội dung đề xuất cần đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn, hiện trạng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của 30 quận, huyện, thị xã, phù hợp với các quy định chuyên ngành, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Nhiệm vụ cần được thực hiện đồng bộ với việc cập nhật, tích hợp trong quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến 2050 và Quy hoạch BVMT quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị phụ trách các dự án, nhà máy xử lý rác tiếp tục tập trung, đôn đốc tiến độ. Trong đó, bảo đảm hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Sóc Sơn trong năm 2020, Nhà máy điện rác Seraphine - Xuân Sơn Quý I/2024.

Rà soát, đề xuất điều chỉnh tổng thể quy hoạch XLCTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Lễ khỏi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphine

Đối với các dự án nhà máy xử lý rác thải đã đầu tư xây dựng xong nhưng chưa vận hành hoặc gặp trục trặc, không tiếp tục vận hành được, cụ thể: Nhà máy Nedo, huyện Sóc Sơn; Nhà máy rác Phương Đình, huyện Đan Phượng, Thành phố giao Sở TN&MT chủ trì cùng các Sở, ngành và đơn vị liên quan tích cực đôn đốc, hướng dẫn xử lý, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội. Riêng với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được phê duyệt chủ trương nhưng chủ đầu tư không triển khai thực hiện, Thành phố giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì khẩn trương kiểm tra, giám sát tiến độ, xử lý và đề xuất thu hồi để tổ chức lựa chọn, kêu gọi nhà đầu tư thay thế có đủ năng lực hoặc chuyển sang hình thức sử dụng ngân sách thành phố.

Nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác thải luôn được thuận tiện, an toàn, thông suốt, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ, kể cả giải pháp nhằm hoàn thành dự án cải tạo hạ tầng để có thể kéo dài thời gian hoạt động chôn lấp rác tại khu xử lý tại Nam Sơn, Xuân Sơn. Đồng thời, đặt vận hành tối đa công suất xử lý ở nước rác. UBND huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thị xã Sơn Tây cần đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác vận hành khu xử lý, khẩn trương hoàn thành các dự án giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường. Ngăn chặn hiện tượng người dân vào các khu xử lý để bới, nhặt rác, đảm bảo an toàn việc tiếp nhận, xử lý rác thải. Tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng môi trường, triển khai khám chưa bệnh, bảo hiểm y tế, nước sạch.

Nhằm thực hiện Luật BVMT năm 2020, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành Đề án phân loại rác thải tại nguồn; phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Tùng Lâm