Hồ Tây: một cái tên, hai số phận

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/9/2022 | 9:09:19 AM

Hồ Tây ở Hằng Châu đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, đại chúng cùng được thụ hưởng, trong khi Hồ Tây ở Hà Nội có nguy cơ thành “vùng bất động sản khủng của các doanh nghiệp”.

Hồ Tây ở Hà Nội và Hồ Tây ở Hằng Châu (Trung Quốc) tương đồng về quy mô, hình thế, công năng văn hóa. Nhưng Hồ Tây ở Hằng Châu đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, đại chúng cùng được thụ hưởng, trong khi Hồ Tây ở Hà Nội có nguy cơ thành "vùng bất động sản khủng của các doanh nghiệp”.

Trong khu vực các nước đồng văn, có rất nhiều hồ mang tên Hồ Tây. Trung Quốc có 36 Hồ Tây, Nhật Bản có một Hồ Tây (ở huyện Yamanashi) và Việt Nam có một Hồ Tây tại thủ đô Hà Nội. Không chỉ cùng tên, tất cả các Hồ Tây kể trên còn mang một đặc điểm chung rất quan trọng: đều là nơi hội tụ, ghi dấu của thơ ca, truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian.

Nổi tiếng nhất trong số đó, phải kể đến Hồ Tây ở Hằng Châu (Trung Quốc) và Hồ Tây tại Hà Nội với nhiều điểm tương đồng mà chúng tôi sẽ lần lượt nêu ra.

Về quy mô và hình thái không gian

Ước tính không gian, diện tích khu vực Hồ Tây Hà Nội khoảng 6,39 km2, bao gồm 5,3 km2 diện tích mặt nước và 1,09 km2 diện tích bán đảo Quảng An, chu vi của không gian (chu vi bao chứa cả vùng bán đảo) khoảng 11,6 km. Thật sự thú vị, quy mô của Hồ Tây Hà Nội gần như hoàn toàn trùng khớp với quy mô của Hồ Tây Hằng Châu (diện tích 6,39 km2, chu vi 11 km).

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 1
Hồ Tây và thành phố Hằng Châu nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu Đinh Thế Anh

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 2
Cảnh Hồ Tây, bán đảo Quảng An (Hà Nội). Ảnh: Võ Thanh Tùng

Hai hồ đều có hình thái không gian đặc biệt là "trong hồ có đảo, trong đảo lại có hồ”. Trong Hồ Tây (Hà Nội) có bán đảo Quảng An, trong bán đảo Quảng An lại có hồ Đầm Trị. Trong Hồ Tây (Hằng Châu) có đảo Tiểu Doanh Châu, trong đảo có hồ Chữ Điền.

Hình thế không gian đặc biệt này được nhiều sử liệu ghi chép lại với hai tên gọi "Phượng hoàng ẩm thủy” và "Châu Long Phượng Chuỷ chi gian” (viên ngọc nằm trong mỏ phượng và chân rồng) có giá trị quan trọng trong tín ngưỡng dân gian. Câu thơ "Thố chi Tây Hồ chi thượng/ Châu Long Phượng Chuỷ chi gian” (Tạm hiểu: Động nhỏ trên Hồ Tây, viên ngọc sáng nằm trong mỏ phượng, hàm rồng. Rồng phượng bay cuộn tròn lấy ngọc trong hồ có đảo, trong đảo có hồ) của Cao Bá Quát là nhắc đến tín ngưỡng này một cách sống động và văn mỹ.

Về công năng văn hóa

Đầu tiên, hai hồ này đều nằm bên cạnh kinh đô. Thời điểm Hồ Tây Hằng Châu vang danh thiên hạ, chính là khi mà Hằng Châu đang đóng vai trò là kinh đô của nhà nước Nam Tống (kinh thành Lâm An). Phân tích sử liệu dân gian và thơ ca cho thấy Hồ Tây Hà Nội và Hồ Tây Hằng Châu trong những phân khúc lịch sử tương đồng cùng là kinh đô, cả hai hồ đều là địa điểm nghỉ dưỡng và du thưởng của Hoàng gia, nơi ẩn cư của nhiều văn sĩ, và là điểm đón tiễn du khách thập phương.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 3
Các làng nghề địa phương được bảo tồn và phát triển ở Hồ Tây Hằng Châu (Trung Quốc). Ảnh tư liệu Đinh Thế Anh

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép "Lý Thánh Tông dựng hành cung ở đây gọi tên là Dâm Đàm. Nhà Lê đổi tên là Tây Hồ thường trồng sen ở hồ để ngoạn thưởng trong khi ngự ở Li cung”. Thơ của Phạm Quý Thích thời Nguyễn chép "Trần đế quan ngư không thử địa/ Tiên vương lạc thuỷ hữu danh cung” (Nơi vua Trần xưa xem đánh cá giờ thành bãi vắng. Là hành cung tiên vương đời trước vui với nước biếc). Vậy là từ thời Lý đến thời Nguyễn Gia Long, luôn có Hành cung ở Hồ Tây Hà Nội.

Với Hồ Tây Hằng Châu, từ triều Tống đến Thanh, lịch đại vương triều Trung Quốc đều cũng đều xây dựng hành cung ở đây. Hình ảnh sống động nhất lưu trữ đến nay, là tập tranh vẽ Hành Cung Tây Hồ.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 4
Thanh Càn Long Tây Hồ Hành Cung Đồ.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 5
Tây Hồ Hành Cung Bát Cảnh Đồ.

Kế tiếp, hai hồ đều là chốn ẩn cư của các chính khách, văn nhân và nghệ sĩ. Thiền sư Huyền Quang thời Trần khi về ẩn cư ở Hồ Tây Hà Nội, đã tự ví mình giống với Tây Hồ xử sĩ (Lâm Bồ nhà Tống) của Hằng Châu. Nếu các ẩn sĩ Trung Quốc vui với trúc và tùng, thì Thiền sư Việt Nam bằng lòng với hoa cúc vàng: "Tùng thanh Tưởng Hủ tiên sinh kính/ Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia...? Cố viên tuỳ xứ thổ hoàng hoa” (Tiếng thông reo đầu ngõ (nhà) ông Tưởng Hủ/ Cảnh hoa mai ở nhà xử sĩ Tây Hồ… Vườn cũ nơi nơi đã nở hoa vàng).

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 6
Chùa Kim Liên – làng Nghi Tàm xưa. Ảnh tư liệu Vũ Hoài Đức

Về mẫu hình cảnh quan văn hóa

Hai Hồ Tây đều là nơi hội tụ của vô số các câu chuyện truyền thuyết dân gian, thông qua lưu truyền truyền thuyết, dân gian kết nối kỳ duyên lưỡng hồ theo một cách rất đẹp và nhân văn. Như, truyền thuyết hai nàng tiên nữ bỏ lại hai mảnh gương (mặt gương Tây Hồ) ở nhân gian, một ở Hằng Châu, và một ở Hà Nội. Truyền thuyết Trâu vàng ở Hồ Tây Lâm An (Hằng Châu) chạy theo tiếng chuông sang Hồ Tây Hà Nội. Truyền thuyết Huyền Thiên Trấn Vũ diệt trừ yêu cáo… đều là những dẫn chứng dân gian huyền bí…

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận
Đi lễ Phủ Tây Hồ là hoạt động tín ngưỡng thu hút rất đông du khách. Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc
Với nhiều mẫu hình cảnh quan văn hóa tương đồng, cả hai hồ đều trở thành nơi gửi gắm các chuỗi cảm xúc của giới sĩ thân. Ví như, đều được mô tả đẹp tựa nàng Tây Thi, nếu Tô Thức nhà Bắc Tống có câu thơ "Dục bả Tây hồ tỷ Tây Tử/ Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi” (Tây hồ khá sánh cùng Tây tử/ Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời), thì Cao Bá Quát cũng "tức cảnh sinh tình”: "Tây Hồ chân cá tự Tây Thi/ Doanh doanh thuý đại ba bình hậu,/ Khúc khúc quần yêu thảo lục thì” (Tây Hồ quả thật đáng Tây Thi/ Sóng yên mơn mởn mày ai nở/ Giải thắm lượn lờ cỏ biếc lay).

Xoay quanh các chủ đề "sen-cá, tùng-trúc, cúc-mai, nhật-nguyệt”, có thể kể ra không hết các văn thơ gắn với cảnh sắc hồ. Nhà thơ Phạm Quý Thích gần như đã đưa hết bát cảnh Hồ Tây vào trong bài thơ: "Tây Hồ hồ thượng hà niên tự/ Cổ thụ âm âm trúc thạch tùng…/ Nhất hoằng thu kính khai tình nhật/ Thập lý hà hương tống vãn phong…/ Lai lâm nhất vị phủ cô tùng” (Chùa cổ Hồ Tây tự bao giờ/ Hòn non khóm trúc bóng cây thơ... Gương thu một mảnh trời trong vắt/ Mấy dặm gió chiều hương sen đưa… Đến đây kết bạn cội tùng cô).

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 7
Hoa sen Hồ Tây. Ảnh tư liệu Vũ Hoài Đức

Nguyễn Trãi cũng có tâm trạng "đem lòng gửi vật” khi nói về Hồ Tây: "Cao trục thâm kỳ đạo tiền triết/ Đông Pha vị trúc bất khả vô/ Liêm Khê ái liên diệc hữu thuyết/ Càn khôn vạn cổ nhất thanh trí/ Bá Kiều thi tứ Tây Hồ nguyệt” (Đem lòng gởi vật người thuở xưa/ Cao bước dốc mong theo tiền triết/ Đông Pha bảo trúc không thể thiếu/ Liêm Khê yêu sen có thuyết hay/ Càn khôn muôn thuở niềm trong trắng/ Tứ thơ cầu Bá trăng hồ Tây).

Nguyễn Du là một hiện tượng đặc biệt, ông chuyển thể Tiểu Thanh ký ở Hằng Châu sang thơ văn Hà Nội "Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư/ Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” (Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang/ Thổn thức bên song mảnh giấy tàn).

Trở thành Di sản văn hóa thế giới từ một đầm lầy

Hồ Tây Hằng Châu được hình thành trong quá trình các cồn cát cửa sông tích tụ và lấp đóng vĩnh viễn một vịnh biển. Loại hình hồ này được gọi là đầm phá. Trong hơn năm thế kỷ sau kỷ công nguyên, mặt hồ đầm phá bị lau sậy phủ lấp vô số lần, và lẽ ra nó đã phải trở thành đất bằng nếu không có bàn tay con người.

Đầu tiên, tận dụng cơ hội Tùy Dương Đế khởi công xây dựng tuyến đường sông vận chuyển bắc nam (Đại Vận Hà) đi qua Hằng Châu, nhân dân Hằng Châu đã tự tổ chức khơi thông Hồ Tây, đặt đó làm một cảng dừng đỗ của Đại Vận Hà ở phía tây thành phố.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 9

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 10
Làng sản xuất chè Tây Hồ Long Tỉnh (ảnh trên) và Không gian nghỉ ngơi cho du khách ở Hồ Tây Hằng Châu (Trung Quốc). Ảnh tư liệu Đinh Thế Anh

Năm 822, Bạch Cư Di (vừa là quan thứ sử, vừa là đại thi hào), điều động lao động địa phương đắp đê quanh hồ để dự trữ nước ngọt dùng cho thủy lợi. Sau khi hoàn thành, ông đề thơ lên một tảng đá lớn bên hồ dặn dò hậu thế muôn đời giữ gìn và bảo tồn công trình.

Kế thừa ý tưởng của Bạch Cư Di, Tô Thức triều Bắc Tống xây dựng hai công trình thủy lợi lớn kết nối Hồ Tây với sông Tiền Đường và Đại Vận Hà, đồng thời xây nhiều cửa cống vừa giữ nước ngọt, vừa ngăn cát và nước mặn xâm thực, cải thiện chất lượng nước và ổn định tuần hoàn tự nhiên cho hồ. Ông phân đất canh tác cho những hộ dân thu dọn rong tảo ven hồ, từng bước làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cảnh quan.

Trong hơn 1.000 năm sau đó - từ Bắc Tống đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhiều thế hệ nhà thơ văn nghệ sĩ mà trong đó nổi tiếng nhất là Tô Đông Pha, đã đem thơ-ca, nhạc-họa gắn kết với cảnh sắc, không ngừng thiết lập và củng cố chỗ đứng và vị thế văn hóa cho Hồ Tây trên bình diện quốc gia. Những năm sau đó Hằng Châu được các tầng lớp văn sĩ, công nông chung tay bảo vệ cảnh sắc văn hóa, và cùng di sản thơ ca đã đưa Hồ Tây trở thành một biểu tượng cho tinh thần phát huy, bảo tồn các giá trị thiên nhiên và nhân văn.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 11
Hồ Tây Hằng Châu được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: UNESCO Media Service

Nhờ những nỗ lực của nhiều thế hệ nhân dân và tầm nhìn của giới trí thức, nhà cầm quyền, mà năm 1982, Hồ Tây Hằng Châu được phê duyệt là danh thắng phong cảnh trọng điểm cấp quốc gia (danh mục đầu tiên). Năm 1985, được bình chọn trở thành một trong Thập đại danh thắng phong cảnh quốc gia. Năm 2006, được tái cải tạo theo tiêu chuẩn 5A của khu du lịch cảnh quan cấp quốc gia. Năm 2008 Truyền thuyết Hồ Tây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (danh mục lần thứ hai).

Đặc biệt đến năm 2011, Hồ Tây Hằng Châu được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới - Di sản cảnh quan văn hóa dạng hồ (di sản hồ) - một loại hình di sản đầu tiên và duy nhất trong hệ thống Di sản văn hóa thế giới hiện nay.

Toàn dân cùng hưởng lợi

Việc trở thành di sản không chỉ khiến Hồ Tây Hằng Châu trở nên "lung linh” hơn, mà còn là cơ hội để tạo nên một "mỏ vàng" mới. Việc thiết lập chế độ "Hồ Tây miễn phí" bắt đầu từ năm 2002. Mô hình này đã tạo ra không gian phát triển mới cho các ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải và các dịch vụ khác của Hằng Châu, đồng thời tạo ra một số lượng lớn việc làm và lợi ích kinh tế cho Hằng Châu.

Khu thắng cảnh Hằng Châu được cải thiện đáng kể các lợi ích xã hội, văn hóa và sinh thái bởi nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch địa phương mà còn đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn diện của Hằng Châu.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 12
Không gian dạo chơi và thể dục của người dân theo tuyến đường bờ hồ Hồ Tây Hằng Châu. Ảnh tư liệu Đinh Thế Anh

Kể từ năm 2002, Hằng Châu đã nhận được các danh hiệu "Giải thưởng Môi trường sống của Liên hợp quốc", "Thành phố Vườn Quốc tế", "Mười thành phố sôi động về kinh tế nhất Trung Quốc", "Thủ đô giải trí phương Đông" và "Thành phố du lịch tốt nhất Trung Quốc", và đã 12 năm liên tiếp nằm trong danh mục "Thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc"...

Số liệu thay đổi theo từng năm là bằng chứng rõ ràng nhất: năm 2002, tổng số khách du lịch ở Hàng Châu là 27,58 triệu người, và tổng doanh thu du lịch là 29,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,6 tỷ USD). Tổng lượng khách du lịch trong các năm 2011, 2014, 2015 và 2017 lần lượt là 74,87 triệu, 109 triệu, 120 triệu và 160 triệu, tổng doanh thu du lịch lần lượt là 119,1 tỷ nhân dân tệ, 188,6 tỷ nhân dân tệ, 220 tỷ nhân dân tệ và 304,1 tỷ nhân dân tệ (46,8 tỷ USD hàng năm).

Danh thắng hay vùng bất động sản của các doanh nghiệp?

Sử sách Việt Nam cho đến triều Nguyễn, luôn ghi chép Hồ Tây Hà Nội là một danh thắng bậc nhất kinh thành. Đại Nam Nhất Thống Chí thời Nguyễn ghi: "Nước hồ trong suốt như gương tức là chỗ mà Mã Viện nhà Hán nói là trông thấy chim diều đương bay trên không sà xuống nước. Đời Đường Hàm Thông, Cao Biền đi khắp nơi tìm đất tốt phương nam nhận chỗ này làm kiểu đất "phượng hoàng ẩm thủy”. Lại truyền rằng trâu vàng từ núi Lan Kha xổng ra, đến ẩn ở hồ này… Nay bờ hồ dân cư đông đúc, chùa quán khang trang là thắng địa để chơi dạo thưởng thức”.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 13
Một góc Công viên nước Hồ Tây và Đầm Bẩy - Nhật Tân. Ảnh: Võ Thanh Tùng

Có lẽ hơn cả một thiên niên kỷ, Hồ Tây vẫn là nơi "mịt mù khói tỏa cành sương” đầy chất thơ và huyền thoại của Thủ đô Hà Nội. Và cảnh trí mang sự tĩnh lặng – đầy chất "âm” như một cách gọi khác của Hồ Tây đã thực sự bị náo động khi thành phố xây dựng tuyến đường dạo ven hồ từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000.

Tuyến đường này ngoài ý nghĩa tạo nên bước ngoặt cho sự chuyển đổi tính chất của Hồ Tây, khiến Hồ Tây bắt đầu trở thành một trung tâm cảnh quan ưa thích của người Hà Nội, còn có ý nghĩa ngăn chặn sự thu hẹp diện tích hồ từ việc xây dựng, lấn chiếm hồ của dân cư làng xóm xung quanh.

Không có chiến lược giữ Hồ Tây, tất cả cùng thi đua xây...

Đón đầu sự chuyển đổi đó, trước đó gần một thập kỷ, làn sóng xây dựng của các thành phần kinh tế đã bắt đầu từ việc lấp hồ hoặc xóa bỏ các vùng trồng hoa, cây cảnh truyền thống… trong không gian vùng Hồ Tây.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 14
Dự án làng hoa Thụy Khuê lấy đất từ vườn ươm ven hồ Tây. Ảnh tư liệu Vũ Hoài Đức

Chẳng hạn "Khu đô thị 1,3 ha”, tên gọi trùng với quy mô diện tích, với những biệt thự sang trọng mọc lên đã xóa bỏ vùng trồng quất truyền thống kề cận xóm Phủ Tây Hồ, nơi Bác Hồ đã từng ghé thăm ngày 14.8.1962, cách đây tròn 60 năm. Ở phía Nam, dự án có tên mỹ miều "Làng hoa Thụy Khuê” thực chất là dự án kinh doanh bất động sản mọc lên chặn không gian Vườn Bách thảo nối với Hồ Tây (bằng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu vực vườn ươm cây của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội).

Cùng với các doanh nghiệp, các hộ dân cư làng xóm ven Hồ Tây cũng bị cuốn vào "cơn lốc" của sự chuyển đổi này. Ở Nhật Tân, Quảng Khánh, Quảng Bá, Nghi Tàm, Yên Phụ, Yên Thái, Võng Thị… những diện tích đất trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá, hay những tàu seo làm giấy dó, gắn với nghề truyền thống của cư dân nơi đây dần mất đi nhường chỗ cho những khối bất động sản mới mọc lên.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 15
Biệt thự sang trọng trong khu 1,3 ha thay thế cho vùng trồng quất Quảng An. Ảnh tư liệu Vũ Hoài Đức

Không chỉ ở trên cạn, các hình thức khai thác mặt nước Hồ Tây rất rầm rộ, như hồ Quảng Bá bị thu hẹp trong sự tiếc nuối của nhiều người về một bãi tắm của "ngày xưa”. Khu dịch vụ có tên đẹp "Thung lũng hoa Hồ Tây” vốn mọc lên từ Đầm Bẩy. "Tổ hợp vui chơi giải trí Hồ Tây" quy mô hơn 8 ha đã khiến khu vực nuôi cá tự nhiên trước đây của Hà Nội biến mất. Khách sạn The Hanoi Club xây dựng vừa bằng cách lấp hồ vừa dùng mặt hồ làm nơi tập golf.

Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake xây năm 2007 nằm hoàn toàn trên mặt nước Hồ Tây. Ban đầu công trình này mang tên The Lien – gắn với tên loài hoa sen Hồ Tây nổi tiếng và chùa Kim Liên của làng Nghi Tàm. Nhưng trên thực tế nó lại án ngữ không gian mặt nước phía trước của chùa Kim Liên, làm mất đi đặc trưng huyền diệu của công trình tôn giáo lịch sử tuyệt đẹp.

Tương tự, The Hanoi Club, công trình đã chia cắt cấu trúc dân cư làng Nghi Tàm với chùa Kim Liên, đình Nghi Tàm... Những ai từng biết làng Yên Phụ, Nghi Tàm vốn được bao bọc bởi Hồ Tây và hồ Ao Vả, giờ không thể nhận ra hình thể địa lý này.

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 16

Hồ Tây: một cái tên, hai số phận - 17
Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake (ảnh trên) và Khách sạn The HaNoi Club khai thác mặt hồ. Ảnh tư liệu Vũ Hoài Đức

Quá trình đô thị hóa ven Hồ Tây đến nay vẫn tiếp diễn với tốc độ, quy mô bạo liệt hơn, bởi các công trình xây dựng có quy mô lớn, rất lớn đang, sẽ áp sát quanh mặt hồ. Mặc dù đã có quy định "trong phạm vi 50m kể từ kè hồ, các công trình xây dựng không được phép cao quá 12m”. Nhưng các chủ đầu tư vẫn bất chấp quy định và sự yếu kém, vô trách nhiệm trong quản lý khiến lớp cây xanh ven hồ dần bị các khối hình kiến trúc lấn áp, thôn tính…

Khoét vào những lỗ hổng và điểm yếu của quy hoạch khi không coi bán đảo Quảng An là một khu vực bảo tồn đặc biệt cần khống chế và kiểm soát độ cao bằng quy chế thiết kế đô thị riêng, các công trình khối tích lớn đang làm thay đổi hình thái địa lý của bán đảo. Chúng không chỉ làm hỏng các hướng cảnh quan có giá trị văn hóa nhất của Hồ Tây, như nhìn lên Tam đảo từ Hoàng Thành hay nhìn lên phía bắc từ đền Quán Thánh, mà còn tiếp tục phá vỡ cấu trúc với mọi cách chất tải lên không gian thiên nhiên quý giá này.

Kết cục khác, bắt đầu từ nhận thức khác?

Như chúng tôi đã trình bày, hai Hồ Tây khởi đầu với nhiều điểm tương đồng, nhưng kết cục lại đang rất khác nhau. Không thể nói khác hơn, đó chính là vì nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của hồ đối với hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn khác nhau.

Hai Hồ Tây như một phép thử tri thức, tầm nhìn văn hóa - kinh tế, chất lượng quản lý nhà nước. Hồ Tây Hằng Châu thậm chí không được thuận lợi như Hồ Tây Hà Nội do nguy cơ trở thành đất bằng, nên phải trải nhiều thế hệ đổ bao công sức, tâm huyết mới tạo thành nó. Nhưng một bên nhờ tôn trọng lịch sử, văn hóa, sinh thái... đã tạo một vùng hồ thành Di sản thế giới đem lại nhiều lợi ích bền vững cho toàn xã hội; Bên kia bòn rút tất cả những gì có thể từ lợi thế của đất đai, không gian và môi trường... biến nó thành "một bãi bất động sản của các doanh nghiệp”.

Vậy chỉ ai là người đang hay sẽ hưởng lợi trong sự mất mát lâu dài và không thể tính xuể của vùng Hồ Tây Hà Nội?

TS. Đinh Thế Anh - TS. Vũ Hoài Đức
Đại học Quốc Gia Hà Nội
Theo Người Đô thị