Nghề dệt vải của dân tộc Dao họ Lào Cai được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/8/2022 | 11:34:42 AM

QLMT - Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Thắng đã trao Quyết định của Bộ VHTT&DL công nhận nghề dệt của dân tộc Dao họ ở huyện Bảo Thắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề dệt vải của dân tộc Dao họ Lào Cai được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1
Ảnh: ITN

Nghề dệt vải thủ công của người Dao họ có từ lâu đời, với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, nên cần có sự kiên nhẫn và khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ mới có thể làm được.

Trang phục truyền thống dân tộc là một trong những tiêu chí nhận diện tộc người, đặc biệt với người Dao họ ở Bảo Thắng, người dân đang bảo tồn được trang phục truyền thống dân tộc bởi nghề dệt, thêu vẫn được phụ nữ duy trì trong cộng đồng.

Việc công nhận nghề dệt vải của dân tộc Dao họ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần bảo tồn, phát triển nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào các dân tộc nói chung; văn hóa dân tộc Dao họ nói riêng. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc với phương châm "Biến di sản thành tài sản”…

Nghề dệt vải của dân tộc Dao họ Lào Cai được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2
Nghề dệt vải của dân tộc Dao họ, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng hiện nay phụ nữ Dao họ vẫn không mua sẵn trang phục ngoài chợ về mặc; vì dệt, may vá, thêu thùa cũng thể hiện rằng, người phụ nữ đó đảm đang. Hơn nữa, cũng vì quần áo may sẵn mua ngoài chợ không được hồ sợi trước khi dệt, nên không phù hợp với trang phục truyền thống, nhanh bạc màu.

Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai có 38 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là "Nghi lễ Then của dân tộc Tày" và "Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày, Giáy".

Huyện Bảo Thắng có 20 dân tộc, trong đó dân tộc Dao họ chiếm 34,7%, còn lại là các dân tộc Tày, Mông, Phù Lá (Xa Phó), Hoa, La chí, Thái…

Thanh Hạ