Bạc Liêu cần ưu tiên phát triển mạnh các cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2022 | 2:25:23 PM

QLMT - Qua 25 năm tái lập và phát triển, có một thực tế phải thừa nhận rằng, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu là kém nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Một trong những giải pháp quan trọng quyết định đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp chính là phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp. Bởi đây không chỉ là yếu tố cần, mà còn là nền tảng với chức năng vừa là tiền đề, vừa là động lực cho phát triển công nghiệp.

Bạc Liêu cần ưu tiên phát triển mạnh các cụm công nghiệp
Ảnh minh hoạ. 

Thiếu đất dụng võ

Để phát triển công nghiệp, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bạc Liêu đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Tuy nhiên, qua 25 năm tái lập và phát triển, có một thực tế phải thừa nhận rằng, phát triển CN-TTCN của tỉnh kém nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Đến nay, một số dự án năng lượng tái tạo tuy có góp phần làm tăng tỷ trọng công nghiệp, nhưng nhìn toàn cục Bạc Liêu vẫn là tỉnh bị xếp vào nhóm có tốc độ tăng trưởng kém về công nghiệp, nhất là việc hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp.

Sự phát triển rất chậm chạp này đã kìm hãm các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và nếu như không có một cuộc cách mạng về công nghiệp ngay từ bây giờ, Bạc Liêu sẽ tụt hậu xa và sâu hơn. Đặc biệt, khi nhiều khu, cụm công nghiệp và các cảng biển ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL được hình thành sẽ tạo nên những cú hích về thu hút đầu tư, khi đó Bạc Liêu khó tránh khỏi nguy cơ bị tiếp tục rơi vào "vùng trũng” do không hội tụ được các yếu tố thuận lợi về giao thông (các tuyến cao tốc gần như nằm hoàn toàn ở khu vực ngoài tỉnh Bạc Liêu). Vì vậy, Bạc Liêu phải khẩn trương và tranh thủ ngay giai đoạn này để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp. Đó là các ngành công nghiệp gắn với thế mạnh kinh tế nông nghiệp, tận dụng nguồn lực từ "dân số vàng” trong việc hình thành các khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao, lắp ráp điện tử, công nghệ sinh học, may mặc…

Muốn vậy, Bạc Liêu phải tạo được quỹ đất sạch, nhưng đây thật sự là một bài toán khó. Hiện ngoài Khu công nghiệp Trà Kha đã được lấp đầy, còn Khu công nghiệp Láng Trâm với quy mô gần 100ha đến nay gần như chưa có gì (ngoài duy nhất Công ty Âu Vững tự bỏ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 2ha, thì còn hơn 90ha đến nay vẫn chưa làm xong công tác GPMB). Vậy, để GPMB cho Khu công nghiệp Láng Trâm nhằm tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư phải mất thời gian là bao lâu, 10 năm hay 20 năm, ngay bản thân ngành quản lý cũng chưa ai dám khẳng định. Vì Khu công nghiệp Trà Kha từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997 cho đến năm 2022 mới cơ bản được lấp đầy với diện tích chỉ hơn 65ha.

Từ thực trạng này đã đặt ra một thách thức là nếu như không lấp đầy Khu công nghiệp Láng Trâm thì Bạc Liêu sẽ không có thêm khu công nghiệp nào khác, vì theo quy định của Bộ Công thương, muốn xin Chính phủ thành lập một khu công nghiệp mới và đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp quốc gia thì khu công nghiệp hiện hữu phải được lấp đầy trên 70%. Điều này cũng có nghĩa, Bạc Liêu sẽ tự đánh mất đi cơ hội, làn sóng đầu tư trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi có Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đã tạo nên những động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư ở các tỉnh, thành trong khu vực.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, nếu không hình thành được các khu, cụm công nghiệp mới thì khả năng Bạc Liêu sẽ không thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Bạc Liêu phấn đấu chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 13,89% và đưa tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt 21%. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp đạt 1.512 triệu USD (trong đó xuất khẩu tôm qua chế biến đạt 1.300 triệu USD).

Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này thì bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có "đất dụng võ” trong khi Khu công nghiệp Láng Trâm hiện nay vẫn chưa làm xong công tác GPMB! Do vậy, việc nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ di dời Khu công nghiệp Láng Trâm sang một vị trí mới không vướng công tác GPMB và tạo được kết nối với các tuyến cao tốc thông qua hệ thống giao thông tuyến dọc là vấn đề cần được quan tâm, nhằm chủ động tránh tụt hậu, kém phát triển và đi sau.

Thế mạnh của các cụm công nghiệp

Để giải quyết những hạn chế và bất cập trong phát triển CN-TTCN của tỉnh hiện nay, thiết nghĩ cần ưu tiên phát triển mạnh các cụm công nghiệp ở các địa phương. Giải quyết tốt vấn đề này, không chỉ giúp Bạc Liêu khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, mà còn quyết định trực tiếp đến thay đổi cơ cấu ngành, cơ cấu lao động và cả mô hình tăng trưởng. Nếu không, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất hay thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế chỉ là khẩu hiệu.

Bởi việc thành lập các cụm công nghiệp thuộc về quản lý của địa phương nên sẽ rất thuận lợi về mặt thủ tục và tăng tính chủ động trong thu hút, mời gọi đầu tư.

Một vấn đề quan trọng khác, việc thành lập các cụm công nghiệp ở các địa phương sẽ góp phần hóa giải các thách thức về kém phát triển và từng bước tạo ra những tiền đề trong sản xuất hàng hóa lớn, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu ngân sách. Mặt khác, việc thành lập các cụm công nghiệp cho phép trên 70ha và được phát triển thêm các cụm công nghiệp mới khi cụm công nghiệp hiện hữu được lấp đầy.

Như huyện Đông Hải được thành lập đến nay đã 20 năm và được chọn là địa phương trọng điểm của tỉnh về phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được một khu chế xuất tập trung cho các sản phẩm được khai thác từ biển. Thế là nguồn nguyên liệu này chạy sang các tỉnh khác, giúp các tỉnh khác làm giàu và giải quyết việc làm cho lao động ngoài tỉnh, còn bản thân lao động của địa phương phải xa xứ mưu sinh. Tới đây, khi Cảng cá Gành Hào được nâng lên thành cảng cá loại I và thu hút nhiều tàu thuyền từ các tỉnh khác vào mua bán, nếu không chủ động xây dựng cụm công nghiệp để đón đầu thì Đông Hải sẽ tự đánh mất đi cơ hội làm giàu từ biển. Hay ở huyện Phước Long được Tỉnh ủy chọn làm trung tâm kinh tế của vùng Bắc, nhưng đến nay vẫn chưa có cụm công nghiệp nào giúp địa phương này thể hiện vai trò "đầu tàu” và dẫn dắt nền kinh tế của toàn vùng Bắc, nông dân vẫn "tự bơi” trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trong khi sản xuất hàng hóa còn manh mún, nhỏ lẻ vì không có một khu hay cụm công nghiệp nào với chức năng "đòn bẩy” để khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Hoặc TP. Bạc Liêu cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xanh - sạch - đẹp, văn minh khi các cơ sở sản xuất CN-TTCN nằm ngay trong khu dân cư và cần lắm một cụm công nghiệp để giải quyết khó khăn này. Và còn nhiều địa phương khác cũng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề với khát vọng trở thành các trung tâm trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, chế biến hàng nông - thủy sản… nhưng lại không có một cụm công nghiệp để thực hiện khát vọng này!

Thực tiễn đã chứng minh, việc thành lập các khu chế xuất sẽ có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Như Khu công nghiệp Trà Kha, chỉ tính riêng Nhà máy may VINATEX đã giải quyết gần 1.000 lao động của địa phương và tổng thu ngân sách nhà nước mà khu công nghiệp này đóng trong 6 tháng đầu năm nay cũng vượt hơn con số 110 tỷ đồng.

Qua đó cho thấy, việc thành lập và phát triển các cụm công nghiệp hiện nay thật sự trở thành nhu cầu bức thiết và cần được chỉ đạo quyết liệt hơn. Trong đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối - kết hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quy hoạch, đầu tư trên tinh thần tất cả vì một Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững.

Theo Sở Công thương, đến nay Bạc Liêu có 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 295ha. Trong đó, Cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ (huyện Hòa Bình) có quy mô diện tích 30ha; Cụm công nghiệp Chủ Chí (huyện Phước Long) có quy mô diện tích 30ha; Cụm công nghiệp Vĩnh Lợi có quy mô diện tích 50ha; Cụm công nghiệp Hồng Dân có quy mô diện tích 50ha. Hiện tỉnh đang bổ sung vào quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Đông Hải có quy mô diện tích 75ha; Cụm công nghiệp Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) có quy mô diện tích 30ha; Cụm công nghiệp Chủ Chí (huyện Phước Long) 30ha và TX. Giá Rai cũng đang xin thành lập cụm công nghiệp./.

Duy Anh (T/h)