Tổng cục Môi trường: Chưa xử phạt người không phân loại rác từ ngày 25/8

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2022 | 10:48:26 AM

QLMT - Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhiều người hiểu sai về thời điểm áp dụng xử phạt khi không phân loại rác thải tại nguồn.

Tổng cục Môi trường: Chưa xử phạt người không phân loại rác từ ngày 25/8 - Ảnh 1
Một dự án thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn do Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai. Ảnh minh họa

Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45, đó là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường.

Trong nghị định này, người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại rác thải từ đầu nguồn, với mức xử phạt tiền từ 500 nghìn – 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định

Tuy nhiên, trước băn khoăn về chưa có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

"Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lức chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”, ông Thịnh giải thích.

Theo quy định tại Điều 75 - Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. "Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này", ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Tổng cục Môi trường: Chưa xử phạt người không phân loại rác từ ngày 25/8 - Ảnh 2
Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 ,chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định theo hướng ai xả nhiều CTRSH hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.

Cùng với đó, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với CTRSH khác.

Các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Các địa phương có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp.

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, hiện nay ý thức của người dân còn hạn chế, do đó Bộ TN&MT đã đặt lộ trình từ nay đến 2025 là giai đoạn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hành động của người dân để theo thời gian, Luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân./.

Minh Anh